Hà Nội cần làm gì để tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19?

Trong những tuần vừa qua, số ca Covid-19 tại Hà Nội tăng cao, có những ngày lên tới hơn 32 nghìn trường hợp nhưng số ca tử vong ở mức thấp. Những ngày gần đây số ca mắc đang có xu hướng giảm, Hà Nội được đánh giá là kiểm soát tốt hình dịch, chủ động thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Hà Nội cần làm gì để tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19?
Chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin phòng Chovid-19 cho những người chưa được tiêm để hạn chế tỉ lệ chuyển nặng và tử vong (ảnh TTYT HBT)

Hà Nội đã qua "đỉnh địch"

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội diễn ra cuối tuần qua, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết: Trong kỳ báo cáo (từ ngày 18 đến 24-3) trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận 123.134 ca mắc, 28 trường hợp tử vong; trung bình ghi nhận 17.591 ca bệnh/ngày, giảm 39,3% so với kỳ báo cáo trước.

Sở Y tế nhận định, TP Hà Nội đã bước qua đỉnh dịch, tuy nhiên không được phép chủ quan mà cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và theo dõi diễn biến trong thời gian tới. Do số ca mắc F0 trên thực tế vẫn cao, nên Sở Y tế đề nghị các địa phương tập trung vào các mục tiêu cốt lõi của hoạt động phòng, chống dịch như kiểm soát chuyển tầng, tỷ lệ tử vong, chuyển nặng; đảm bảo số mắc không vượt quá năng lực tiếp nhận của hệ thống; đồng thời chủ động thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Đánh giá về tình hình dịch trên địa bàn Hà Nội đến thời điểm hiện nay, PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế cho biết: Hà Nội vẫn đang kiểm soát được dịch Covid-19, số ca nhiễm theo thống kê đã có dấu hiệu giảm. Số quá tải chưa thật quá tải, số tăng nặng, tử vong cũng không cao.

Phân tích nguyên nhân khiến Hà Nội kiểm soát dịch tốt, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng: Hệ thống chỉ đạo của y tế tốt, dù quá tải nhưng y tế vẫn không bỏ cuộc, vẫn làm việc. Có những trạm y tế làm thâu đêm hoặc nhân viên y tế là F0 vẫn đi làm, làm online cũng có. Bên cạnh đó là có hệ thống bên ngoài như mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, Cấp cứu 115... tham gia tăng cường.

Cùng đó, việc phân tầng điều trị cũng kịp thời, lúc đầu hơi bối rối nhưng nay đã phân tầng ngay từ khi phát hiện ca nhiễm và sử dụng hệ thống các bệnh viện quận, huyện điều trị F0 được phân tầng. Đó là những thứ Hà Nội làm được để giảm quá tải hệ thống y tế, tránh bị quá tải, "vỡ trận".

Hà Nội cần làm gì để tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19?
PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế (ảnh Trần Minh)

Nới lỏng chứ không phải là buông trôi, thả lỏng

Theo nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng-Bộ Y tế, thời gian sắp tới Hà Nội nới lỏng và đón khách du lịch vào. Khi chuyển từ "zero F0" sang chấp nhận ca mắc trong cộng đồng, chuyển từ cấm đoán sang kiểm soát rủi ro. Mà đã kiểm soát rủi ro thì phải theo dõi, tiếp tục giám sát, đánh giá đề phòng; tăng cường năng lực cho công tác phòng chống bệnh dịch chứ không thể bỏ rơi. Nới lỏng chứ không phải là buông trôi, thả lỏng.

Bên cạnh đó phải nới lỏng đồng bộ: cho bán hàng đêm, cho nhiều hoạt động được phép trở lại nhưng cũng phải đồng bộ, không thể không dự phòng.

"Ví dụ cho nhập cảnh thì mới có khách du lịch, có khách du lịch thì mới có khách sạn, vui chơi giải trí hoạt động nhưng tôi nhấn mạnh là phải đồng bộ. Khách du lịch vào thì các khách sạn, khu vui chơi giải trí cũng phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh vì nếu chúng ta thả lỏng ra thì lại lây lan rất mạnh, bùng phát lên lại chật vật, quá tải cho hệ thống y tế. Nới lỏng đồng bộ thì phải dự phòng đồng bộ-đó là cái phải lưu ý", TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Cùng đó là triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, những người nào già, bệnh nền chưa tiêm hoặc có chống chỉ định thì cần tiêm cho họ-đặc biệt lưu ý người già, càng người già càng phải tiêm vắc-xin.

Ngoài ra vấn đề cần quan tân mữa là Hà Nội có nhiều dân di cư đến làm ăn-nhất là khi du lịch mở ra thì dân di cư về Hà Nội làm nhiều nên cần xem họ đã tiêm vắc-xin chưa để tiêm tránh bỏ sót đối tượng đó.

Thêm nữa là tăng cường các thông điệp truyền thông thực hiện 5K lúc này vô cùng quan trọng-dù nới lỏng nhưng thực hiện các biện pháp phòng bệnh vô cùng quan trọng. 5K ko phải lúc nào cũng thực hiện được đầy đủ mà lúc nào thực hiện K nào nhưng áp dụng tối đa có thể-K nào chính, K nào phụ và có sự linh hoạt.

Ví dụ như ăn uống không đeo khẩu trang được thì khử khuẩn, giữ khoảng cách; hoặc nếu xem bóng đá không giữ khoảng cách được thì lại đeo khẩu trang. Mọi người cần áp dụng tối đa có thể, mục đích của chúng ta không cản được sự lây lan nhưng làm chậm sự lây lan để không bị quá tải hệ thống y yế. Không quá tải hệ thống y tế thì không bị tử vong vì người bệnh nhẹ nhận được sự can thiệp của cơ quan y tế-TS. Trần Đắc Phu phân tích.

Cùng đó là luôn luôn theo dõi ca mắc xem diễn biến dịch như thế nào; luôn theo dõi tình trạng chuyển nặng ra sao để phân tầng cho tốt. Chuẩn bị cho y tế cơ sở tốt để tránh bùng phát không nắm được, lại bị động. Tất nhiên chính quyền không được bỏ rơi, không được buông lỏng, y tế phải tích cực.

Đến nay, tổng số mũi vắc-xin mà TP Hà Nội đã tiêm được là 16.351.353 mũi. Trong đó, tổng số mũi bổ sung đã tiêm được là 242.817 mũi; tổng số mũi nhắc lại đã tiêm là 3.898.042 mũi. Hiện nay, TP đang quản lý, điều trị cho 264.820 bệnh nhân ở tầng 1 (nhẹ, không triệu chứng), tỷ lệ 99,34%; 1.404 bệnh nhân ở tầng 2 (triệu chứng trung bình), tỷ lệ 0,53%; 345 bệnh nhân ở tầng 3 (nặng, nguy kịch), tỷ lệ 0,13%.

Thịnh An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.