Công nghệ sản xuất điện thoại bằng vật liệu nhôm không carbon của Apple có gì ưu việt?

Gã khổng lồ công nghệ Apple cho biết, các khoản đầu tư của công ty đang thúc đẩy các công nghệ đột phá cần thiết để giảm lượng khí thải carbon của các vật liệu họ sử dụng. Công ty cũng chuyển sang chỉ sử dụng các vật liệu có thể tái chế và vật liệu tái tạo trên các sản phẩm của công ty nhằm bảo tồn tài nguyên hữu hạn của trái đất.
Iphone SE thế hệ tiếp theo là sản phẩm sẽ được chế tạo bằng vật liệu nhôm không carbon. Ảnh minh họa
Iphone SE thế hệ tiếp theo là sản phẩm sẽ được chế tạo bằng vật liệu nhôm không carbon. Ảnh minh họa

Để đạt được quá trình nấu chảy nhôm không carbon, Apple đã hợp tác với Elysis - công ty chịu trách nhiệm về quy trình nấu chảy nhôm đầu tiên trên thế giới không tạo ra khí thải carbon. Thay vì tạo ra khí gây hiệu ứng nhà kính, công nghệ này chỉ tạo ra oxy. Apple lưu ý rằng đây là một cột mốc quan trọng trong việc sản xuất nhôm, và là một bước tiến lớn đối với hành tinh nói chung. Nhôm là vật liệu được sử dụng rộng rãi không chỉ bởi Apple mà còn vô số nhà sản xuất trên toàn cầu.

Lô nhôm không carbon đầu tiên mà Elysis sản xuất sẽ được Apple mua với ý định sử dụng trong iPhone SE - phiên bản iPhone giá rẻ nhất của công ty. Mặc dù vậy, Apple không nói rõ khi nào điều này có thể xảy ra. Dĩ nhiên, cũng không loại trừ khả năng Apple sẽ sử dụng chất liệu nhôm cho một sản phẩm khác trong tương lai.

Được biết, Apple có một mục tiêu lớn về môi trường để đạt được vào năm 2030, đó là trung hòa hoàn toàn carbon trong toàn bộ chuỗi cung ứng của mình. Kể từ năm 2015, Apple đã sử dụng nhôm tái chế trong một số sản phẩm của công ty và động thái này đã giúp giảm 70% lượng khí thải carbon từ sản xuất nhôm. Tất nhiên, điều này chỉ áp dụng cho lượng khí thải mà chính Apple phải chịu trách nhiệm. Bằng việc liên doanh và quan hệ đối tác mới với Elysis, Apple có thể tiến thêm một bước nữa và chuyển từ việc chỉ sử dụng vật liệu tái chế sang sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường hơn.

Trước đó, khoản đầu tư Trái phiếu xanh của Apple đã giúp công ty đầu tư 4,7 tỷ USD vào các dự án nghiên cứu kể từ khi ra mắt vào năm 2019. Điều này bao gồm công nghệ nấu chảy nhôm mà không tạo ra bất kỳ khí thải carbon trực tiếp nào.

A.H

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.