Nhớ mãi tác giả phim điện ảnh “Em bé Hà Nội”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”

Nhà biên kịch nổi tiếng Hoàng Tích Chỉ đã để lại nhiều đóng góp lớn lao cho nền điện ảnh nước nhà thông qua những kịch bản phim kinh điển, trường tồn với thời gian.
Nhớ mãi tác giả phim điện ảnh “Em bé Hà Nội”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”
Nhà biên kịch nổi tiếng Hoàng Tích Chỉ có nhiều cống hiến lớn lao cho nền điện ảnh nước nhà

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ qua đời ngày 20-3 sau một thời gian sức khỏe giảm sút do tuổi già. Sự ra đi của ông là một tổn thất to lớn của nền điện ảnh nước nhà. Sau khi về hưu, ông vẫn miệt mài sáng tác và có nhiều dự định trong lĩnh vực nghệ thuật.

Ông sinh năm 1932 tại Từ Sơn, Bắc Ninh, trong một gia đình có nhiều người làm nghệ thuật. Anh cả của ông là nhà báo Hoàng Tích Chu, anh thứ hai là họa sĩ Hoàng Tích Chù, anh thứ ba là nhà viết kịch Hoàng Tích Linh.

Năm 1946, ông theo cách mạng, làm trinh sát ở Ty Liêm phóng Bắc Giang. 9 năm sau, ông làm Trưởng phòng Văn nghệ, Ty Văn hóa Bắc Giang. Năm 1959, ông theo học Trường Đảng trung ương Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

Năm 1961, ông theo học lớp biên kịch Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội). Sau đó, ông về công tác tại Hãng Phim truyện Việt Nam và từng giữ chức Giám đốc Hãng Phim truyện I (Cục Điện ảnh - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ là một trong những tác giả nổi tiếng của thế hệ biên kịch điện ảnh đầu tiên, tham gia biên kịch cho nhiều bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam như “Biển gọi” - Bông sen bạc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ I - năm 1970; “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” - Bông sen bạc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ II - năm 1973; “Em bé Hà Nội” - Bông sen vàng Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ III - năm 1975, giải Đặc biệt của Ban Giám khảo Liên hoan phim quốc tế Mátxcơva (Nga) - năm 1975; “Mối tình đầu” - Bông sen bạc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ V - năm 1980, giải Chiếc thuyền bạc Liên hoan Phim hiện thực mới tại Italia năm 1981; “Thành phố lúc rạng đông” (phim tài liệu) - giải Bồ câu vàng đặc biệt Liên hoan Phim Leipzig, Đức…

Bên cạnh đó, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ còn là tác giả của tiểu thuyết “Tướng cướp hoàn lương” dựng thành phim truyện “SBC”, tiểu thuyết “Bóng ma rừng Sác” dựng thành phim cùng tên…

Với những đóng góp to lớn cho điện ảnh cách mạng Việt Nam, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2012.

Trong số các tác phẩm của ông, khán giả đặc biệt nhớ đến nhiều nhất là “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” và “Em bé Hà Nội”. Với phim điện ảnh “Em bé Hà Nội”, ông viết kịch bản vào năm 1972 khi Mỹ ném bom ác liệt xuống Hà Nội. Ông gửi con sơ tán về chùa Thầy, còn mình và vợ ở lại Hà Nội. Có lẽ, vì thế mà ông đã viết nên câu chuyện đầy cảm xúc lấy đi nhiều nước mắt của khán giả đến thế.

Còn với tác phẩm “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, ông đã cùng đạo diễn Hải Ninh đạp xe đạp hàng trăm cây số về Quảng Trị để lấy tư liệu. Cặp bài trùng biên kịch - đạo diễn ấy cứ thế rong ruổi khắp nơi trong suốt 5 năm để ghi chép lại những tư liệu đắt giá cho phim.

Được mời vào vai chính Dịu của phim, NSND Trà Giang đã bật khóc khi cầm trên tay cuốn kịch bản. Bởi, bà quá xúc động về câu chuyện nhân vật của mình - một người lính du kích gan dạ, dũng cảm vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước.

NSND Trà Giang luôn biết ơn nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ vì đã nghĩ đến bà đầu tiên cho vai Dịu - vai diễn kinh điển làm nên tên tuổi nữ nghệ sĩ gạo cội. Sau đó vài năm, bà còn được ông đến tận nhà mời vào vai diễn mẹ của cô bé Ngọc Hà trong phim “Cô bé Hà Nội”.

Trong mắt nữ nghệ sĩ, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ là người luôn cần mẫn sáng tạo nghệ thuật. Ông thể hiện tinh thần trách nhiệm cao khi thường xuyên liên lạc với đạo diễn thực hiện phim do mình viết kịch bản, để phim được thể hiện đúng thông điệp mình viết. Khi xem các diễn viên đóng phim mình viết kịch bản, ông luôn góp ý chân thành để họ có động lực cố gắng.

Dù là viết kịch bản nào, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ cũng đều chăm chỉ tìm kiếm tư liệu để “đứa con tinh thần” của mình gần gũi, chân thực, mang hơi thở cuộc sống. Vì thế mà những nhân vật của ông luôn sống mãi trong lòng khán giả hôm qua, hôm nay và mai sau.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.