Xây dựng cơ chế đặc thù, tạo đột phá cho phát triển Thủ đô

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua năm 2012. Ngay sau đó, để triển khai, TP Hà Nội đã ban hành các chương trình, kế hoạch đồng bộ.
Một góc TP Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng
Một góc TP Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Hùng

Tạo thêm cơ chế để TP Hà Nội phát triển nhanh, bền vững hơn, tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, khắc phục những bất cập là mục tiêu, yêu cầu của việc sửa đổi Luật Thủ đô cho phù hợp thực tiễn đang được TP Hà Nội tập trung thực hiện, đồng bộ với tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020, phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thêm nguồn lực quan trọng

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua năm 2012. Ngay sau đó, để triển khai, TP Hà Nội đã ban hành các chương trình, kế hoạch đồng bộ. Nổi bật là những quy định liên quan biện pháp bảo đảm quy hoạch, quản lý đất đai, không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị đã được triển khai. Các cơ chế đặc thù quy định trong Luật đã tạo những tác động tích cực, góp phần giúp TP huy động được nguồn lực to lớn, tạo bước đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội, nhất là đã triển khai một số tuyến đường sắt đô thị.

TP cũng chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại. Các quy định của Luật đã bổ sung chính sách, cơ chế tài chính - ngân sách cho TP; góp phần hiệu quả để TP huy động các nguồn lực xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng liên kết. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020, đạt 1,716 triệu tỷ đồng, gấp 1,6 lần giai đoạn trước. Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách với trên 2.850 dự án, vốn đăng ký 1,6 triệu tỷ đồng. Thu ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 11,1%/năm, gấp 1,64 lần giai đoạn 2011 - 2015.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân tăng 6,73%, mặc dù không đạt kế hoạch đề ra do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng cũng cao hơn bình quân chung cả nước. Một số cơ chế chính sách đặc thù của TP như: Xây dựng cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, chính sách trọng dụng nhân tài, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn... đã được triển khai và tạo tác động tích cực.

Tuy nhiên, tại các cuộc hội thảo vừa qua, những điểm vướng và hạn chế của Luật cũng được chỉ ra. Trong đó, còn thiếu những quy định cụ thể về tổ chức chính quyền Thủ đô, phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội…

Đồng thời, một số quy định mang tính thắt chặt, nghiêm ngặt hơn trong quản lý đô thị và chưa có những quy định trao quyền để Thủ đô tự chủ, tự quản, chủ động, sáng tạo. Hệ thống pháp luật còn có bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, nhất là lĩnh vực đầu tư, đất đai nên chưa phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đô thị đặc biệt.

Đảm bảo phát triển dài hạn, bền vững

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, với quan điểm nhằm sửa đổi toàn diện trên cơ sở kế thừa Luật hiện hành, đồng thời mở rộng, nâng cấp một số cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để phát triển Thủ đô nhanh và bền vững, Dự thảo sửa đổi Luật Thủ đô gồm 16 chính sách.

Trong đó, tập trung vào bốn định hướng lớn, tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền TP theo hướng tinh gọn, hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp đặc điểm mô hình chính quyền đô thị và nông thôn. Tăng cường phân quyền, phân cấp cho Thủ đô trên các lĩnh vực: Tổ chức bộ máy chính quyền, biên chế, tài chính ngân sách, đầu tư, xây dựng, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, an sinh xã hội, nông nghiệp, giữ gìn an ninh trật tự... nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự quản, tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, xây dựng những cơ chế, chính sách mới, có tính chất đặc thù, vượt trội về mặt thể chế, phù hợp điều kiện thực tiễn và mục tiêu xây dựng Thủ đô. Thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững…

Các quan điểm được đưa ra bước đầu nhận được sự đồng tình của giới chuyên gia, để tạo thể chế đặc thù, vượt trội, thuận lợi cho Thủ đô phát triển trong giai đoạn 10 năm tới và những năm tiếp theo. Các chính sách đưa ra có tính đặc thù, mang tính toàn diện, đột phá, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính ưu việt, vượt trội hơn và đặc biệt là tính khả thi.

Trong đó, một số ý kiến cho rằng, nên ưu tiên lựa chọn định hướng Thủ đô là trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục hơn là trung tâm kinh tế, tập trung chọn lọc các chính sách ưu tiên đảm bảo yếu tố phát triển bền vững; ngoài mối quan hệ giữa các tỉnh Vùng Thủ đô còn là các tỉnh, thành trong cả nước đối với Thủ đô.

Cùng với đó, xem xét bổ sung nội dung quy hoạch chung xây dựng Thủ đô vào Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) theo đó quy định về vùng nội đô, ngoại vi và vùng xung quanh. Bổ sung nhóm chính sách về hợp tác quốc tế, về thông tin để phát huy vai trò của quy hoạch là nguồn lực quan trọng phát triển… Đồng thời, rà soát kỹ các luật khác liên quan để sửa đổi trên cơ sở kế thừa, phát huy những quy định còn phù hợp trong các luật hiện hành.

Nguyễn Vũ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.