Giá xăng dầu tăng cao, hoạt động vận tải lao đao:

Bài 3: Xoay xở để bù đắp chi phí

Trước sức ép của giá xăng dầu tăng cao, các doanh nghiệp vận tải đang đứng trước những thách thức lớn, khó chồng lên khó, nhiều doanh nghiệp vận tải càng chạy càng lỗ, buộc phải điều chỉnh tần suất chạy xe, tăng giá cước vận tải.
Từ ngày 10-3-2022, Grab Việt Nam chính thức điều chỉnh giá cước của một số dịch vụ nhằm thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng.
Từ ngày 10-3-2022, Grab Việt Nam chính thức điều chỉnh giá cước của một số dịch vụ nhằm thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng

Mới đây, Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội là đơn vị vận hành xe buýt đầu tiên tại Hà Nội vừa có đề xuất với Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho phép giảm 50% tần suất hoạt động các tuyến buýt kế cận do Công ty đang đảm nhận. Hiện Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội là đơn vị đang vận hành 5 tuyến buýt kế cận từ Hà Nội đến các tỉnh gồm: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương.

Ông Đỗ Văn Huy, Giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội lý giải, đây là điều chỉnh bất đắc dĩ và doanh nghiệp không hề mong muốn, tuy nhiên do dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, giá nhiên liệu tăng cao khiến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách gặp rất nhiều khó khăn.

Không chỉ điều chỉnh tần suất, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng đã điểu chỉnh giá cước dịch vụ do giá xăng dầu tăng cao, theo tthông tin từ Grab Việt Nam cho hay, bắt đầu từ ngày 10-3-2022, đơn vị này chính thức điều chỉnh giá cước của một số dịch vụ nhằm thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng. Trong khi đó, các hãng khác như Gojek và BeGroup chưa có động thái gì tương tự. Như vậy, Grab là hãng gọi xe công nghệ đầu tiên thông báo tăng giá cước trên thị trường.

Cụ thể, kể từ ngày 10-3, với dịch vụ gọi xe ô tô GrabCar, giá cước điều chỉnh đối với dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội tăng 2.000 đồng/km, lên mức 29.000 đồng cho 2km đầu tiên và giá cước mỗi km tiếp theo là 10.000 đồng; Grab 7 chỗ là 34.000 đồng cho 2km đầu tiên và giá cước mỗi km tiếp theo là 13.000 đồng.

Dịch vụ taxi công nghệ có giá cước cao nhất của Grab là GrabCar Protect 7 chỗ tại TP Hồ Chí Minh được điều chỉnh lên mức 38.600 đồng cho 2 km đầu tiên và 13.900 đồng mỗi km tiếp theo; tại Hà Nội là 34.300 đồng cho 2 km đầu tiên và cho 2 km đầu tiên và 11.800 đồng mỗi km tiếp theo. Giá cước trên chưa bao gồm thời gian di chuyển sau 2 km đầu tiên, dao động từ 430-590 đồng mỗi phút theo từng dịch vụ và thành phố.

Ở các tỉnh thành khác, dịch vụ GrabCar cũng tăng giá cước tại các tỉnh thành như Lâm Đồng, Bắc Ninh, Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Huế, Cà Mau, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Gia Lai, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Vĩnh Phúc, phổ biến ở mức 27.500 đồng cho 2 km đầu tiên, dao động khoảng 10.000-12.400 đồng cho mỗi km tiếp theo với dịch vụ Grabcar 4 chỗ.

Grap Việt Nam cho biết, giá cước trên chưa bao gồm phí nền tảng và các loại phụ phí khác, đồng thời có thể bị điều chỉnh linh động khi nhu cầu tăng cao, dựa theo khu vực và thời điểm trong ngày.

Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam cho hay, việc điều chỉnh là để thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng. Đồng thời, bà hy vọng việc điều chỉnh giá cước sẽ giúp bù đắp một phần chi phí vận hành của đối tác tài xế, để họ có thêm cơ hội thu nhập trang trải cuộc sống, cũng như khuyến khích đối tác hoạt động tích cực và phục vụ người dùng tốt hơn.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hưởng, tài xế hãng taxi Sông Nhuệ cho biết, hãng vừa quyết định tăng giá 1.000 đồng/km, ở mức mở cửa là 20.000 đồng cho 1,5km đầu tiên, những km tiếp theo có giá 13.500 đồng. “Tbối cảnh giá xăng dầu tăng cao và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân hạn chế đi lại nên thu nhập từ dịch vụ này giảm mạnh so với trước đây”, anh Hưởng cho hay.

Theo ông Bùi Danh Liên, chuyên gia lĩnh vực vận tải cho hay, với mức giá xăng hiện nay, doanh nghiệp nếu không tăng cước thì càng chạy càng lỗ; ngược lại, nếu tăng giá để bù đắp chi phí nhiên liệu thì e ngại không có khách; xe "đắp chiếu" thì không có tiền trả lãi vay, lương cho người lao động và mất nguồn khách hàng quen thuộc.

Ông Bùi Danh Liên cho biết, với lĩnh vực vận tải khách liên tỉnh và taxi, họ chưa thể tăng giá ngay do phải thực hiện các thủ tục phê duyệt, in lại vé, đổi vé, thay biển báo, đồng hồ..., trong khi giá xăng dầu được dự báo sẽ tiếp tục biến động mạnh thời gian tới. Hiện số lượng đầu xe hoạt động vận tải chỉ khoảng 30% do lượng khách sụt giảm, vận chuyển hàng ít.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, với mức giá xăng dầu cao như hiện nay, sẽ có tác động gián tiếp rất lớn tới nhiều lĩnh vực như: vận tải, logistics, hàng hóa tiêu dùng... từ đó tác động lạm phát. Các ngành chức năng cần sớm có các giải pháp giúp doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19.

Theo ông Nguyễn Tuyến (Trưởng phòng Quản lý Vận tải (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội), đối với các kiến nghị về giảm tần suất của các doanh nghiệp vận tải, trong bối cảnh dịch COVID-19, Sở GTVT Hà Nội sẽ chấp thuận theo đề xuất của các doanh nghiệp vận tải. Các tuyến buýt không trợ giá sẽ căn cứ vào thực tế để điều chỉnh như tuyến cố định. Hiện tại, nhà xe vắng khách nên không thể bắt các doanh nghiệp chạy theo tần suất kế hoạch, nhất là trong bối cảnh khi giá xăng dầu tăng cao.
Bài 2: Hoạt động vận tải “khó chồng thêm khó” Bài 2: Hoạt động vận tải “khó chồng thêm khó”

Minh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.