Kiểm soát nguồn cung ứng sản phẩm ra thị trường để kiềm chế lạm phát

Theo nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, muốn kiếm chế lạm phát, trước mắt phải kiểm soát nguồn cung ứng sản phẩm ra thị trường, để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa. Đặc biệt là phải đảm bảo đủ các mặt hàng nhiên liệu như xăng, dầu, khí đốt.
Theo nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm: Muốn kiếm chế lạm phát, Việt Nam phải làm mọi cách để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng giữa các địa phương và tuyệt đối không để đứt gãy cung ứng giữa thế giới với Việt Nam.
Theo nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm: Muốn kiếm chế lạm phát, Việt Nam phải làm mọi cách để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng giữa các địa phương và tuyệt đối không để đứt gãy cung ứng giữa thế giới với Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2022, cả nước sẽ phải đối mặt với áp lực lạm phát rất lớn với các yếu tố tác động chính như tổng cầu tăng đột biến, đứt gãy chuỗi cung ứng. Mặc dù, dù kết quả điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 đã đạt được mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đề ra nhưng với những nguy cơ và yếu tố tác động đến lạm phát, Bộ Tài chính không thể chủ quan trước diễn biến của năm 2022, nhất là khi từ đầu năm đến nay có những yếu tố gần như không thể lường trước được.

Hiện nay, tình hình chung của lạm phát tại các nước trên thế giới đều cao, trong đó các nước châu Âu hiện đều vượt 5%. Đáng chú ý, nhiều chuyên gia đánh giá nước ta có thể sẽ phải “nhập khẩu lạm phát” bởi lẽ với một đất nước phải nhập khẩu hàng hóa nhiều thì đây là điều khó tránh khỏi. Hơn nữa, năm 2022 cũng có một thách thức nữa đó là áp lực thực hiện lộ chỉnh điều chỉnh giá dịch vụ công do năm 2021 chưa điều chỉnh được.

Một vấn đề được quan tâm nhất hiện nay đó chính là sự “leo thang” giá của mặt hàng xăng dầu. Áp lực tăng giá xăng dầu trong trước mắt cũng như thời gian tới đã khiến dư luận không khỏi lo ngại về tác động lên lạm phát nước ta.

Theo ông Nguyễn Xuân Định, Phó trường phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, mặt hàng xăng dầu là mặt hàng đặc thù bởi giá của nó bị phụ thuộc vào yếu tố tâm lý, chính trị và vị thế của các nước mà lại ít bị ảnh hưởng bởi chi phí. Vì vậy giá mặt hàng này dựa vào giá thế giới, ngay cả khi nguồn nguyên phụ liệu trong nước vẫn đầy đủ.

Chuyên gia Phan Đức Hiếu, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết, trong bối cảnh là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, nền kinh tế Việt Nam đang rất bất lợi. Cuộc xung đột tiếp tục leo thang khiến giá cả hàng hóa, nguyên liệu đầu vào đang bước vào đợt tăng giá mới. Điều này khiến lạm phát của Việt Nam phải chịu 4 áp lực.

Thứ nhất là sự gia tăng của chi phí năng lượng, xăng dầu tác động tới mọi hoạt động kinh doanh sinh hoạt tại Việt Nam. Thứ hai là giá xăng dầu, năng lượng gia tăng tác động tới châu Âu hay các nơi Việt Nam nhập nhiều nguyên vật liệu. Thứ ba là giá một số mặt hàng phụ thuộc vào nguồn cung của Nga cũng sẽ gia tăng. Thứ tư, theo thống kê của Liên minh châu Âu (EU), chỉ số giá tiêu dùng tại châu Âu tháng 2-2022 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.

“Điều này khiến nhiều quốc gia buộc phải điều chỉnh chính sách tiền tệ. Và chính những điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ tại Việt Nam”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, cũng phân tích một số áp lực lên lạm phát. Trong đó, nguyên nhân chính là Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào các nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu. Khi nguyên, nhiên vật liệu thế giới tăng rất cao thì tất yếu giá nhập khẩu của chúng ta sẽ tăng theo. Điều này tạo nên chi phí đẩy, nhập khẩu lạm phát. Cùng với đó là việc đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, khi nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi, DN quay trở lại sản xuất thì việc thiếu hụt lao động hiện nay là một vấn đề khá quan trọng có tác động tới lạm phát. Bởi khi thiếu hụt lao động thì DN sẽ phải bỏ thêm chi phí để tuyển dụng, đào tạo.

Cũng theo ông Nguyễn Bích Lâm, với việc giá xăng dầu từ đầu năm tới nay đã tăng tới hơn 60%, là áp lực rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Bởi đây là mặt hàng huyết mạch, giá xăng dầu tăng sẽ khiến một loạt các mặt hàng hóa khác tăng theo.

“Theo tính toán, nếu giá xăng dầu tăng 10% thì sẽ tạo ra 0,36% lạm phát. Trong khi đó, giá xăng dầu từ đầu năm tới nay đã tăng tới 60%. Hay như trong 1,68% lạm phát của hai tháng đầu năm thì xăng dầu đã đóng góp tới 1,63%", ông Lâm phân tích.

Muốn kiếm chế lạm phát, trước mắt phải kiểm soát nguồn cung ứng sản phẩm ra thị trường, để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa. Đặc biệt là phải đảm bảo đủ các mặt hàng nhiên liệu như xăng, dầu, khí đốt.

Minh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.