Bộ Ngoại giao lên tiếng vụ việc 100 container hạt điều xuất sang Italia nguy cơ bị lừa

Ngày 17-3, tại cuộc Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên trong và ngoài nước.
Bộ Ngoại giao lên tiếng vụ việc 100 container hạt điều xuất sang Italia nguy cơ bị lừa
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết thông tin về chính sách thị thực và miễn thị thực mà Việt Nam hiện áp dụng đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

Ngày 15-3-2022, Chính phủ Việt Nam đã đồng ý khôi phục chính sách nhập cảnh đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài như trước khi áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Việt Nam nối lại việc áp dụng quy trình, thủ tục cấp các loại thị thực và giấy miễn thị thực theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo luật sửa đổi, bổ sung năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành (bao gồm việc cấp thị thực điện tử);

Nối lại việc miễn thị thực cho người nước ngoài theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc miễn thị thực trên cơ sở có đi có lại (bao gồm các hiệp định, thoả thuận miễn thị thực với các nước Đông Nam Á);

Nối lại chính sách miễn thị thực đơn phương với công dân 13 nước (Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa I-ta-li-a, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hòa Phần Lan và Cộng hòa Bê-la-rút) với thời hạn cư trú tối đa 15 ngày, áp dụng đến ngày 14-3-2025. Người nhập cảnh cần chấp hành các hướng dẫn y tế của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam.

Về câu hỏi của phóng viên về việc 100 container hạt điều của Việt Nam xuất sang Italia có nguy cơ bị lừa và những biện pháp mà Bộ Ngoại giao đã triển khai để hỗ trợ các doanh nghiệp, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

Về việc này, theo tôi biết, Bộ Công Thương cũng đã có thông tin cho báo chí. Mới đây nhất, ngày 14-3-2022, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để có các biện pháp xử lý, hỗ trợ bảo đảm quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

Về phía Bộ Ngoại giao, ngay sau khi nhận được thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Italia liên hệ với các chủ tàu, trực tiếp đến thành phố Genova, Napoli để xác minh thông tin; gửi công hàm đến Bộ Ngoại giao, Bộ Phát triển Kinh tế, Cảnh sát Tài chính và các cơ quan chức năng của Italia đề nghị nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ việc, triển khai các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đại sứ quán Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại Italia cũng đã trao đổi với các doanh nghiệp và Vinacas, hướng dẫn cách giải quyết cụ thể, đề nghị các đơn vị có liên quan liên hệ với Tòa án kinh tế quốc tế, Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế tại Việt Nam yêu cần can thiệp, có ý kiến với các hãng tàu dừng giao hàng cho người mua trong nhóm nghi vấn là lừa đảo, nhằm giảm tối đa tổn thất cho doanh nghiệp Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong việc giải quyết vụ việc này cũng như đảm bảo an toàn tối đa cho các thương vụ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Italia trong thời gian tới.

Gia Bảo

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.