Cuộc sống người dân xáo trộn vì… giá xăng

Giá xăng tăng kỷ lục tác động mạnh đến đời sống của người dân. Với nhiều người, việc giá xăng tăng chóng mặt sau hai năm kiệt quệ vì Covid-19 khiến họ thực sự phải tính toán đến chuyện thay đổi thói quen sinh hoạt...
Người dân xếp hàng mua xăng khi biết xăng dầu sẽ tăng giá
Người dân xếp hàng mua xăng khi biết xăng dầu sẽ tăng giá

Người dân lao đao vì giá xăng tăng

Dành dụm để mua được chiếc xe ô tô sau nhiều năm để đi làm và đưa đón con nhỏ, chị Lê Thị Hồng (Hai Bà Trưng) vốn đang rất yên tâm khi trời nắng, trời mưa hay bụi bặm nhưng lúc trẻ vẫn an ổn trên chiếc xe hạng A nhỏ bé. Tuy nhiên, việc giá xăng tăng kỷ lục khiến chị thực sự phải suy nghĩ nghiêm túc đến việc thay đổi thói quen di chuyển. “Thời điểm giá xăng chưa tăng, mỗi tháng chi phí cho chiếc xe ngoài bến, bãi bảo dưỡng thì tôi mất khoảng 1 - 1.5 triệu đồng cho tiền xăng. Nhưng khi giá xăng RON 95 tăng đến 30 nghìn/đồng 1 lít thì số tiền chạy trong 1 tháng chỉ đủ cho 1 lần đổ đầy bình. Không chỉ chi phí cho xăng tăng mà còn là hàng loạt chi phí tăng theo như tiền rau, tiền gạo hàng ngày cũng không dậm chân tại chỗ…”, chị Hồng cho biết.

Cũng như chị Hồng, sinh sống ở một khu đô thị ngoại đô, bình thường chị Nguyễn Vân Anh (Gia Lâm) đã chuyển sang đi xe bus gần 1 tuần nay. “Bình thường tôi di chuyển bằng xe riêng, tuy nhiên sau khi giá xăng tăng cao như vậy thì tôi đã chọn phương án đi làm bằng xe bus để tiết kiệm chi phí. Chỉ khi hôm nào công việc phải di chuyển nhiều tôi mới đành bấm bụng đi xe riêng. Thời buổi “thóc cao, gạo kém” thôi thì tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy”, chị Vân Anh chia sẻ. Không chỉ những người sở hữu xe riêng thay đổi thói quen, chị Vương Thị Hiên (Long Biên) vốn bán hàng online các mặt hàng rau sạch cũng đang đắn đo với phương thức kinh doanh của mình. Cầm trên tay nắm thì là, chị bảo, để mua mớ thì là này chị đã phải bỏ ra 10 nghìn đồng thay vì 5 nghìn như đợt trước. “Hầu như tất cả các mặt hàng đều tăng giá, nếu như ngày trước 1kg bắp cải tôi bán 7 nghìn thì nay phải bán 15 nghìn mới có lãi, hoặc nếu như các rau gia vị như hành, thì là, tía tô… nếu ngày trước 5 nghìn có thể đủ để dùng thì nay phải tốn hết 7 - 10 nghìn. Ngoài ra các mặt hàng khác như thịt, trứng cũng tăng… nên rất khó bán. Bán mặt hàng này lãi không được bao nhiêu vì tôi chủ yếu bán cho khu dân cư mình đang ở, giờ giá cả tăng thế này bán cho mọi người cũng ngại nên tôi đang tính chuyển hướng bán hàng…”, chị Hiên cho biết.

Việc xăng tăng tác động không nhỏ đến các dịch vụ vận tải, đặc biệt những người mưu sinh bằng ô tô, xe máy. Anh Nguyễn Văn Hùng (Long Biên) tài xế taxi công nghệ cho biết, cả năm nay thu nhập của anh giảm mạnh do dịch Covid-19. “Đến giờ giá xăng tăng, tiền cước xe cũng tăng khiến khách hàng đã khó kiếm lại càng khó hơn. Có ngày tôi ngồi cả ngày không có được khách nào. Thu nhập trước kia sau khi trừ chi phí xăng xe, phí cho Cty, tiền bến bãi, phí hao mòn thì cao điểm cũng có ngày thu về được 4 - 500 nghìn, nhưng giờ thì đến 100 nghìn cũng khó”. Chia sẻ về giá cước, anh Nguyễn Xuân Tâm, GĐ của một Cty kinh doanh vận tải cho biết, Cty anh bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch trong 2 năm vừa qua. Việc Hà Nội mở cửa để vận tải được hoạt động trở lại khiến anh vui mừng không được bao lâu thì lại đau đầu vì giá xăng tăng cao. Anh cho biết, mặc dù lượng khách di chuyển, thuê xe giảm đến 40 - 50% nhưng anh vẫn phải tính đến chuyện tăng giá cước mặc dù đã duy trì giá cũ sau rất nhiều lần xăng tăng, hạ trước đây.

Mức tăng trong nước thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội mới đây, giải trình về công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công thương cho rằng công tác điều hành giá xăng dầu luôn được Bộ phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán, đúng quy định. Trước diễn biến tăng liên tục của giá xăng dầu thế giới trong tháng 1-2022 và kỳ điều hành giá ngày 1-2-2022 trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán nên theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sẽ được chuyển sang kỳ điều hành tiếp theo (ngày 11-2-2022), ngày 28-1-2022, Bộ Công Thương đã có Công văn số 37/BCT-TTTN về bảo đảm nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước, theo đó Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Công Thương lựa chọn thời điểm điều hành giá xăng dầu phù hợp để giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và tạo điều kiện cho các DN nhập khẩu cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Đồng thời, tại cuộc họp ngày 8-2-2022 do Lãnh đạo Chính phủ chủ trì về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng đã nêu vấn đề về việc điều hành sớm giá xăng dầu. Tuy nhiên, sau khi nghe ý kiến của một số Bộ, ngành, xét việc điều hành sớm trong giai đoạn Tết Nguyên đán (nhu cầu hàng hóa, đi lại tăng cao) sẽ ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý người dân vào giai đoạn đầu năm mới Âm lịch, ảnh hưởng đến DN sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, kinh doanh và tác động lớn đến CPI cả nước nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương thực hiện điều hành giá xăng dầu theo đúng thời gian quy định tại Nghị định số 95/2022/NĐ-CP (kỳ điều hành vào ngày 11-2-2022).

Từ kỳ điều hành giá xăng dầu đầu năm 2022 (ngày 11-1-2022) đến kỳ điều hành ngày 11-3-2022 đã có 06 kỳ điều hành giá (06 kỳ đều tăng giá). Giá xăng dầu các loại đến kỳ điều hành ngày 11-3-2022 so với kỳ điều hành ngày 11-1-2022 tăng từ 4.625 - 7.030 đồng/lít/kg (tùy loại xăng dầu), tương đương tăng từ 24,91% - 39,56%. Nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của DN còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính đã liên tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại) nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Theo tính toán của Hiệp hội Taxi Hà Nội, đại dịch kéo dài đã khiến các DN taxi cạn kiệt nguồn lực. Trong khi đó, xăng dầu chiếm tới 35 - 40% giá thành vận tải. Khi xăng dầu tăng, dù không muốn nhưng các DN vẫn phải tính toán tăng cước vận tải.

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.