Vĩnh Phúc: Khai mạc du lịch xuân 2022

Du khách về Vĩnh Phúc ngoài việc thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh đặc sắc, còn được khám phá những giá trị lịch sử văn hóa lâu đời của vùng đất non nước hữu tình, địa linh nhân kiệt.

Du xuân trên đỉnh Tây Thiên

Nhằm mục đích quảng bá, kích cầu du lịch tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022, tạo điều kiện để khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch nội địa an toàn, hấp dẫn. Ngày 15-3 tại Danh thắng Quốc gia đặc biệt Tây Thiên, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã tổ chức lễ khai mạc du lịch xuân Vĩnh Phúc năm 2022 với chủ đề “Du xuân trên đỉnh Tây Thiên” và phát động Chương trình Du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với chủ đề “Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn”.

Trước đó, ngày 16-2, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBND về việc phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Vĩnh Phúc: Khai mạc du lịch xuân 2022
Danh thắng Tây Thiên là nơi thu hút nhiều du khách về tham quan ngoạn cảnh

Danh thắng Tây Thiên nằm trong thung lũng lòng chảo của sơn hệ Tam Đảo, có độ cao từ 54m đến 1.100m so với mực nước biển, phạm vi phân bố khoảng 11km2 (dài 11km, rộng 1km). Với cảnh quan nên thơ, hùng vĩ, Tây Thiên xứng tầm là một thắng cảnh bậc nhất nước ta trong lịch sử. Nơi đây hội tụ đủ các thành phần, yếu tố tự nhiên như cây, suối, thác, cảnh quan,...

Theo thống kê hiện nay, khu vực Tây Thiên - Tam Đảo có 1.247 loài của 645 chi thuộc 169 họ thực vật, có 42 loài đặc hữu và 85 loài nguy cấp, quý hiếm. Đây là những loài góp phần làm nên sự quyến rũ, nét đặc sắc của khu vực này. Động vật quý hiếm và đặc hữu của khu vực này hiện còn giá trị rất lớn và có đặc trưng riêng biệt. Tổng số động vật quý hiếm là 63 loài chiếm 5,3% số loài.

Theo truyền thuyết, ngày 15-2 âm lịch là ngày giỗ của Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu (vợ vua Hùng Chiêu Vương), người có công lao trong việc tuyển binh cầm quân dẹp yên giặc Thục. Do vậy, đúng ngày giỗ Quốc mẫu, hằng năm nhân dân trong vùng thường tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm để tưởng nhớ công ơn của Quốc Mẫu. Lễ dâng hương tưởng niệm Quốc Mẫu Tây Thiên được tổ chức trang trọng, thành kính, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, phong tục thờ cúng tổ tiên của ông cha. Tri ân các bậc tiền nhân có công lao trong buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc. Góp phần bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, đậm đà bản sắc dân tộc, bản sắc văn hoá vùng núi Tam Đảo nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.

“Chương trình Du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, được phát động với mục tiêu hướng tới từng bước phục hồi ngành du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng của người dân. Góp phần giới thiệu, quảng bá điểm đến, sản phẩm, trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch nội địa an toàn, hấp dẫn. Hướng dẫn đón và phục vụ khách du lịch an toàn; mở cửa du lịch, đón và phục vụ khách du lịch theo từng cấp độ dịch tại địa bàn gắn với các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh tương ứng…” – ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết.

Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc cũng đề nghị các địa phương, các khu, điểm du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh cần chuẩn bị tốt các điều kiện đón tiếp và phục vụ khách an toàn.

Vùng đất tươi đẹp, giàu giá trị lịch sử văn hóa

Tỉnh Vĩnh Phúc nằm trọn trong vùng chuyển tiếp địa - văn hóa miền núi, trung du Tây Bắc xuống đồng bằng Đông Nam châu thổ sông Hồng. Thiên nhiên ban tặng cho Vĩnh Phúc đủ 3 vùng cảnh quan: Núi, trung du, đồng bằng. Dãy Tam Đảo trấn giữ phía Đông Bắc tỉnh, đối xứng với núi Tản Viên miền Sơn Tây qua trục thủy đạo sông Hồng hàng triệu năm bồi đắp với nền văn minh lúa nước nổi tiếng. Dòng Lô giang xanh biếc ôm vòng về phía Tây của tỉnh, lưu dấu những huyền thoại một thời chống Pháp oai hùng. Địa phương còn có nhiều dấu tích tụ thủy như Đầm Vạc, hồ Làng Hà, hồ Đại Lải, đầm Dưng, vực Xanh… xen lẫn gò đồi Sáng Sơn, Thanh Lanh, Ngọc Bội, Thằn Lằn, tạo nên phong cảnh non nước hữu tình.

Vĩnh Phúc: Khai mạc du lịch xuân 2022
Du khách về Vĩnh Phúc ngoài việc thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh đặc sắc, còn được khám phá những giá trị lịch sử văn hóa lâu đời của vùng đất non nước hữu tình, địa linh nhân kiệt.

Trên địa lý - cảnh quan ấy là một hệ giá trị lịch sử - văn hóa lâu đời, đồng thời tạo riêng cho Vĩnh Phúc một thế mạnh, tiềm năng du lịch hấp dẫn và độc đáo. Người Vĩnh Phúc từ ngàn đời đã kết tụ những giá trị văn hóa dân gian "Đất trăm nghề" xứ Đoài xưa: Gốm Hương Canh - Hiển Lễ, Mộc Bích Chu, làng công thương kẻ Giang, kẻ Gốm, kẻ Mỏ... Hàng trăm làng cổ Vĩnh Phúc còn lưu giữ những giá trị trò diễn - lễ hội thuộc bản sắc độc đáo người Việt: Đấu vật Yên Dương; hú đáo Lũng Ngoại, múa gậy Dịch Đồng, kéo song Hương Canh, cướp phết Bàn Giản, trống quân Đức Bác...

Hệ thống 1303 di tích, di chỉ, đình, đền, chùa, miếu Vĩnh Phúc là những thông điệp văn hóa đặc sắc của người xưa: Đồng Đậu, Tây Thiên, đền Thính, đền thờ Trần Nguyên Hãn, đình Hương Canh, chùa Hà, Thiên Ân thiền tự cùng am Bạch Vân, suối Bát Nhã từng đã chép trong sử sách...

Cùng với đó, là sự phong phú của các lễ hội truyền thống, sự muôn hình muôn vẻ của truyền thuyết, huyền thoại, tục ngữ, ca dao, hò vè, văn hóa ẩm thực và một không gian văn hóa độc đáo của các dân tộc Sán Dìu, Dao, Cao Lan. Đặc biệt, năm 2009, Vĩnh Phúc lần đầu tiên có mặt trên bản đồ di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, được UNESCO vinh danh là Ca trù và Kéo co; di tích danh thắng Tây Thiên - Tam Đảo, kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn, đình Thổ Tang được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; tháp gốm men chùa Trò công nhận là bảo vật quốc gia; nghi lễ rước nước thờ thần linh thiêng tại đền Ngự Dội, hát Soọng cô, trống quân Đức Bác tình tứ, giao duyên được ghi danh văn hóa phi vật thể quốc gia...

Với những giá trị nổi bật cảnh quan thiên nhiên, thẩm mỹ, lịch sử, văn hóa, cùng với những chính sách được ban hành phù hợp, kịp thời của tỉnh và sự thân thiện, hiếu khách, nồng hậu của người dân Vĩnh Phúc, trong những năm qua ngành du lịch Vĩnh Phúc đã có những những bước phát triển đột phá, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã chọn các khu nghỉ dưỡng như Flamingo Đại Lải Resort, Khách sạn Venus Tam Đảo, khu Sông Hồng Resort và FLC Luxury resort Vĩnh Phúc làm tour nghỉ dưỡng cuối tuần.

Khách du lịch đến Vĩnh Phúc tăng nhanh, giai đoạn 2016-2019 tăng trưởng bình quân về lượt khách là 15%/năm, năm 2019 khách tham quan du lịch đạt trên 6.2 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt trên 1.920 tỷ đồng. Năm 2020 – 2021 mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch bệnh Covid-19, nhưng lượng khách du lịch đến Vĩnh Phúc vẫn được duy trì mức cao so với các tỉnh, thành phía Bắc. Du lịch đã góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người dân và nâng cao vị thế, hình ảnh của Vĩnh Phúc.

Sỹ Hào

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.