Tình huống pháp lý vụ 3 ô tô bị đốt cháy lúc rạng sáng

Luật sư nhận định, hành vi đốt xe ô tô của người khác là hành động rất dại dột tự đẩy bản thân vào “vòng lao lý” và có nguy cơ đối mặt với án tù dài hạn.

Như PL&XH đã thông tin, rạng sáng 12-3, camera ghi cảnh một người chạy xe máy tới đường số 40, phường Tân Phong, quận 7, TP HCM. Hình ảnh trong camera ghi lại cho thấy người này đã đốt tấm bạt che xe ôtô hiệu Vios và xe Xpander đang đậu dưới lòng đường. Ít phút sau, ngọn lửa bùng lên. May mắn, ngọn lửa trên xe Xpander tự tắt, còn lửa trên xe Vios bén nhanh, cháy ngùn ngụt.

Đến khoảng 4g16, một người trong nhà phát hiện chạy ra dùng nhiều bình chữa cháy mini dập được lửa, tuy nhiên lúc này chiếc xe Vios đã bị cháy rụi. Đáng chú ý, cùng thời điểm, Công an cũng nhận được tin báo một chiếc ô tô hiệu Honda CRV bị cháy rụi khi đang đậu trên lề đường số 67, cách hiện trường vụ cháy 2 xe ô tô kia hơn 500m. Qua camera an ninh, công an xác định có đối tượng đã chủ ý đốt những chiếc ô này nên đang vào cuộc truy xét.

Hiện trường 2 ô tô bị cháy đỗ gần nhau
Hiện trường 2 ô tô bị cháy đỗ gần nhau

Trao đổi về vụ việc trên, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, pháp luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mọi công dân. Bởi vậy hành vi xâm phạm, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác từ 2 triệu đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 178 BLHS năm 2015 về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.

Đồng thời, CQĐT sẽ tiến hành trưng cầu giám định thiệt hại của những chiếc xe ô tô đã bị cháy. Với ba chiếc xe bị cháy như vậy thì thiệt hại có thể đến hàng tỷ đồng. Cùng với việc xác định giá trị thiệt hại mà hành vi vi phạm pháp luật đã gây ra thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai của chủ xe, lời khai của người làm chứng, xác định những mâu thuẫn, tranh chấp giữa chủ xe với những người có liên quan.

Nếu tài sản hư hỏng trị giá từ 500 triệu đồng trở lên thì người đàn ông này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt theo quy định tại khoản 4 (Điều 178) với mức chế tài là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm tù. Ngoài ra người đàn ông này cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nạn nhân.

“Thông thường những sự việc xảy ra đốt tài sản của người khác như nhà, xe…thì có thể do những mâu thuẫn cá nhân với nhau làm để trả thù. Tuy nhiên, dù do nguyên nhân khách quan, chủ quan từ các mâu thuẫn trong hoạt động kinh tế xã hội hay từ những mối quan hệ cá nhân dẫn tới hành vi đốt tài sản của người khác đều là hành động rất dại dột tự đẩy bản thân vào “vòng lao lý” và có nguy cơ đối mặt với án tù dài hạn”, luật sư Nguyên nói.

Về việc bồi thường tài sản thiệt hại, luật sư Nguyên cũng cho biết, việc chủ xe được bồi thường hay không phụ thuộc vào công ty bảo hiểm và nội dung hợp đồng bảo hiểm xe ô tô giữa chủ xe với công ty bảo hiểm.

Cụ thể, đối với vụ việc trên, nếu cơ quan chức năng đã xác định được bên thứ ba gây ra tổn thất, là những người đã khai nhận đốt xe do thù tức. Nếu công ty bảo hiểm mà chủ xe đã mua có điều khoản bảo hiểm cho loại tổn thất do hành động ác ý, thì chiếc xe bị đốt sẽ được bồi thường.

Để có căn được bồi thường, các chủ xe cần thông báo ngay cho đơn vị bán bảo hiểm. “Thông thường khi xảy ra sự việc, nhân viên bảo hiểm sẽ xuống hiện trường để kiểm tra và thu thập thông tin. Trường hợp bên bảo hiểm yêu cầu biên bản hiện trường nếu có giám định của cơ quan chức năng thì chủ xe và bên bảo hiểm sẽ phối hợp để cùng nhau giải quyết”, luật sư Nguyên nhấn mạnh.

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.