Bộ GTVT trả lời kiến nghị cử tri Thành phố Hà Nội về quy hoạch chi tiết cảng Hồng Vân

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có Văn bản số 2126/BGTVT-KHĐT gửi đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội trả lời kiến nghị cử tri Thành phố Hà Nội gửi đến sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Bộ GTVT trả lời kiến nghị cử tri Thành phố Hà Nội về quy hoạch chi tiết cảng Hồng Vân
Cử tri Thành phố Hà Nội đề nghị Bộ GTVT sớm phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cảng Hồng Vân (diện tích khoảng 40,6 ha) trên địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội là cảng công ten nơ trọng điểm

Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hà Nội gửi tới sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến tại Văn bản số 19/BND ngày 10-1-2022 với nội dung:

“Cử tri đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cảng Hồng Vân (diện tích khoảng 40,6 ha) trên địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội là cảng công ten nơ trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu pha sông biển từ Quảng Ninh, Hải Phòng ra, vào cảng Hồng Vân vận chuyển, lưu thông hàng hóa, giao thương quốc tế, để thúc đẩy phát triển kinh tế của Thủ đô và cả nước (cử tri huyện Thường Tín)”.

Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đã quan tâm, góp ý nhằm giúp công tác quản lý của Bộ GTVT ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.

Về nội dung kiến nghị nêu trên, Bộ GTVT cũng có trả lời như sau:

Theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31-10-2021, cảng thủy nội địa Hồng Vân là cảng hiện có thuộc cụm cảng Nam Hà Nội, có vị trí tại huyện Thường Tín, trên sông Hồng; giai đoạn đến năm 2030 được quy hoạch với công năng là cảng hàng hóa phục vụ cỡ tàu trọng tải đến 3.000 tấn, công suất 2,0 triệu tấn.

Với công năng quy hoạch là cảng hàng hóa, cảng thủy nội địa Hồng Vân được khai thác hàng công - ten - nơ. Đề nghị doanh nghiệp khai thác cảng Hồng Vân đầu tư chiều sâu, áp dụng khoa học công nghệ, nâng cấp kho bãi, trang thiết bị bốc dỡ đáp ứng khả năng khai thác hàng công ten nơ phục vụ vận chuyển, lưu thông hàng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước.

Đối với đề nghị phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cảng thủy nội địa Hồng Vân là loại hình quy hoạch xây dựng. Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội có ý kiến để doanh nghiệp cảng Hồng Vân báo cáo UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt theo quy định tại Luật Xây dựng. Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam với vai trò là cơ quan quản lý chuyên ngành lĩnh vực đường thủy nội địa khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ cảng thủy nội địa Hồng Vân trình duyệt quy hoạch 1/500 theo quy định và thúc đẩy tiến trình khai thác hàng công-ten-nơ qua cảng.

Bộ GTVT trả lời kiến nghị cử tri Thành phố Hà Nội về quy hoạch chi tiết cảng Hồng Vân
Các tuyến giao thông đến cảng Hồng Vân đang được đầu tư, nâng cấp

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1829, khu vực phía Bắc có 4 hành lang vận tải thủy, trong đó Hà Nội nằm trên trục liên kết 3 hành lang: Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình và Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai.

Các trục hành lang vận tải thủy qua Hà Nội theo các tuyến đường thủy quốc gia chạy qua gồm sông Hồng, Đáy, Cầu và sông Công. Căn cứ theo định hướng phát triển các hành lang vận tải thủy, các cụm cảng thủy được quy hoạch tại Hà Nội đến năm 2030 gồm 5 cụm cảng hàng hóa và 1 cụm cảng hàng khách, phân bố theo khu vực trung tâm Thủ đô và các hướng xung quanh.

Các cụm thủy hàng hóa gồm: cụm cảng trung tâm Hà Nội (với cảng Hà Nội, cảng Binh đoàn 11, Khuyến Lương (hiện có) và xây dựng mới cảng Thanh Trì tại quận Hoàng Mai, đều ven sông Hồng); cụm cảng Bắc Hà Nội (cảng Bắc Hà Nội tại khu vực Nhật Tân (huyện Đông Anh, sông Hồng), cảng Đa Phúc (sông Công, huyện Sóc Sơn).

Cụm cảng Nam Hà Nội, gồm cảng Hồng Vân (sông Hồng, hiện có) và xây dựng mới cảng Vạn Điểm - Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên), Gia Lâm, Bát Tràng (huyện Gia Lâm, sông Hồng), cảng Ba Thá, Tế Tiêu - Vân Đình (huyện Mỹ Đức, sông Đáy).

Cụm cảng Đông Hà Nội: xây dựng mới cảng Phù Đổng - Giang Biên, Mai Lâm, Đức Giang (sông Đáy, huyện Gia Lâm và Đông Anh).

Cụm cảng Tây Hà Nội: gồm cảng Sơn Tây, Chèm - Liên Mạc (hiện có) và xây dựng mới các cảng mới ven sông Hồng là Đường Lâm (TX. Sơn Tây), Hoàng Kim, Chu Phan (huyện Mê Linh), Hồng Hà (huyện Đan Phượng), Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm), Ba Vì (huyện Ba Vì).

Thế Vinh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.