Mở cửa an toàn cho ngành du lịch để từng bước khôi phục hoạt động trở lại

Mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15-3 có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ riêng ngành du lịch mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, những chính sách khi mở cửa du lịch sẽ được thực thi như thế nào để không làm du khách ngần ngại khi quyết định du lịch đến Việt Nam và vẫn bảo đảm về an toàn dịch bệnh.
Mở cửa an toàn cho ngành du lịch để từng bước khôi phục hoạt động trở lại

Cộng đồng DN mong muốn được tăng cường hỗ trợ để phục hồi, mở cửa an toàn cho ngành du lịch

Du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn

Sau một thời gian “đóng băng” do đại dịch Covid-19, ngành du lịch đang được tái khởi động với các chương trình đón khách trong nước và quốc tế linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Trước tình hình mới, cộng đồng DN mong muốn được tăng cường hỗ trợ để phục hồi, mở cửa an toàn cho ngành du lịch được từng bước khôi phục hoạt động, góp phần tạo nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm; đồng thời quảng bá văn hóa với hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Theo thống kê của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), 95% DN lữ hành và gần một nửa DN khách sạn đóng cửa, các DN hàng không chịu đựng tổn thất nặng nề.

Theo các chuyên gia, nguồn nhân lực của ngành du lịch là 2,5 triệu lao động, bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau dịch bệnh. Trong đó đối tượng bị mất việc, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hướng dẫn viên du lịch, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch, các DN lữ hành, vận chuyển... Vì vậy, lực lượng lao động này cần sớm được bổ sung thông qua tuyển dụng, đào tạo

Bà Trần Thị Lan Anh - Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, thế giới đã bước vào năm thứ ba của đại dịch Covid-19 và trước những diễn biến vẫn còn phức tạp hiện nay, chắc chắn việc sống chung với Covid-19 sẽ còn kéo dài.

Trong hơn hai năm qua du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệnh hướng quỹ đạo tăng trưởng. Tuy vậy, trước làn sóng mở cửa toàn cầu, thời điểm này chính là cơ hội đặc biệt để ngành đón đầu nhu cầu du lịch mang tính toàn cầu.

Bà Trần Thị Lan Anh nhấn mạnh hoàn cảnh hiện nay đòi hỏi du lịch không chỉ thân thiện, mà còn phải là an toàn cho du khách và người dân. Với vị trí, vai trò và tiềm năng, lợi thế của ngành, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tới năm 2030 đã đặt ra kỳ vọng lớn cho ngành du lịch.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết toàn ngành đã sẵn sàng và đang chuẩn bị hoàn tất các điều kiện để đảm bảo tốt nhất cho việc mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15-3 tới.

Với những biện pháp và lộ trình đón khách nội địa và thí điểm đón khách quốc tế theo chương trình hộ chiếu vaccine đã có những thử nghiệm, trải nghiệm sẽ là căn cứ quan trọng cho du lịch Việt Nam trong quá trình mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới đạt hiệu quả đề ra.

Doanh nghiệp mong chính sách thông thoáng

Theo đại diện cộng đồng DN du lịch, trước việc mở cửa trở lại, cộng đồng DN vẫn ngổn ngang lo lắng do các quy định ngặt nghèo, chưa thật sự thông thoáng. Những hạn chế này đang làm cho cộng đồng kinh doanh thấp thỏm, bởi khách quốc tế sẽ “ngại” đến Việt Nam, có những cân nhắc và lựa chọn các quốc gia khác với thủ tục dễ dàng, cởi mở hơn.

Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam có hơn 5 triệu ca mắc Covid-19, trong đó 99,7% là ca nhiễm trong nước, còn 0,3% là của người nhập cảnh. Số ca nhiễm từ địa phương này tới địa phương khác lớn hơn rất nhiều, thì không cần lo số ca nhiễm từ quốc tế vào Việt Nam nữa. Hơn nữa, Việt Nam đã bước sang giai đoạn khác của phòng chống dịch, khi Hà Nội và 62 tỉnh, thành có độ phủ vắc-xin cao, số ca mắc lớn nhưng không nhiều triệu chứng nặng. Đây là những ly do mà chúng ta có thể mở cửa.

Theo bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó GĐ Ban Tiếp thị Cty Du lịch Vietravel, có thể thấy rằng các nước trong khu vực đều đang gấp rút để mở cửa nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong việc thu hút khách du lịch. Nếu Việt Nam tiếp tục “thắt chặt” sẽ bỏ lỡ cơ hội vàng trong quá trình thúc đẩy phục hồi ngành du lịch và kinh kế nói chung

“Không phải cứ mở cửa ra là có khách quốc tế ngay, mà DN cần thời gian để làm thị trường, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm, chào bán tour… cho đến nay, Đại diện Cty Du lịch Vietravel chia sẻ vẫn chưa nẵm rõ hướng dẫn chính thức về các chính sách nhập cảnh mới để làm việc với đối tác”. Đại diện Cty Du lịch Vietravel chia sẻ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch chỉ rõ, đối với Việt Nam, chúng ta đã thực hiện thí điểm với điều kiện khắt khe, với điều kiện kiểm soát y tế quá chặt chẽ, cộng với việc chưa thực hiện chính sách mở cửa lại visa, thì việc thực hiện thí điểm vừa qua mới đón được lượng khách rất khiêm tốn là khoảng 9.000 khách trong mấy tháng.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết, Bộ Y tế đang soạn thảo các văn bản thay thế quy định cũ, như về khách nhập cảnh, các điều kiện chống dịch... Hiện Tổng cục Du lịch đã soạn thảo phương án mở lại dịch vụ du lịch đảm bảo an toàn phòng chống dịch nhưng cũng tạo thuận lợi hết mức cho các cơ quan, DN du lịch và du khách đồng thời áp dụng đồng bộ trên toàn quốc, đảm bảo an toàn, khoa học và hiệu quả.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.