Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022:

Thí sinh và phụ huynh cần lưu ý những gì?!

Theo Bộ GD&ĐT, chủ trương của Bộ sẽ không sửa quy chế thi tốt nghiệp THPT, vẫn giữ ổn định như những năm trước. Dự kiến tuyển sinh ĐH năm 2022 sẽ có sự điều chỉnh; trong đó, thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ chỉ một lần trong khoảng thời gian quy định.
Dự kiến năm 2022, thí sinh đăng ký xét tuyển chủ yếu bằng hình thức trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Cổng tuyển sinh của Bộ GD&ĐT Ảnh: Khánh Huy
Dự kiến năm 2022, thí sinh đăng ký xét tuyển chủ yếu bằng hình thức trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Cổng tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Ảnh: Khánh Huy

Sẽ không sửa quy chế thi tốt nghiệp THPT

Thông tin từ Bộ GD&ĐT, chủ trương của Bộ sẽ không sửa quy chế thi tốt nghiệp THPT, vẫn giữ ổn định như những năm trước. Cũng như năm 2021, nội dung thi tốt nghiệp THPT chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Đề thi mẫu có thể áp dụng, vận dụng như năm ngoái. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp; do đó từ nay đến lúc dự kiến thi tốt nghiệp THPT, Bộ sẽ tham vấn với địa phương, đơn vị chức năng để quyết định thời điểm, số lần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo thuận lợi, công bằng cho các thí sinh.

Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đang xem xét mốc thời gian tổ chức kỳ thi vào tháng 7 tới thay vì tháng 6 như những năm trước, khi chưa có dịch Covid-19. Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT địa phương phải xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cho các trường THPT hoàn thành chương trình lớp 12 năm học 2021-2022 trước ngày 30-6. Đối với những địa phương vì lý do bất khả kháng không thể hoàn thành trước ngày 30-6 thì cần kịp thời báo cáo Bộ GD&ĐT để được hướng dẫn cụ thể, đảm bảo phù hợp với kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Năm 2021, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, Bộ GD&ĐT từng nhiều lần điều chỉnh thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thay vì thường cố định trong tháng 6, Bộ đã tổ chức kỳ thi thành 2 đợt vào tháng 7 và tháng 8. Tính đến thời điểm này, mới có Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh có văn bản đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép địa phương này tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thành 2 đợt. Trong đó, các trường hợp F0, F1 sẽ được tổ chức thi riêng vào đợt 2. Trước đề xuất trên, nhiều học sinh lớp 12 tỏ ra vui mừng, vì hiện nay, tình hình F0, F1 trong các trường tăng lên phức tạp. Việc chia 2 đợt thi sẽ giúp học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vẫn có thể tham gia kỳ thi này, để các em có thêm cơ hội vào ĐH. Các trường cho rằng, việc chia kỳ thi 2 đợt sẽ đảm bảo phòng chống dịch trong suốt kỳ thi, vừa đảm bảo phù hợp tình hình sức khỏe cho học sinh.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của kỳ thi năm nay nằm ở cách ra đề thi. Cả 2 đợt thi đều nên chọn cách ra đề phù hợp. Do niên khóa này rất đặc biệt, học sinh chịu ảnh hưởng dịch bệnh suốt 3 năm học từ lớp 10 đến lớp 12. Các trường cho rằng, việc chia kỳ thi THPT quốc gia thành 2 đợt là rất hợp lý, có thể giúp bao phủ cả những học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn cần bổ sung thêm những trường hợp đặc biệt, không thể thi được cả 2 đợt thì vẫn nên xem xét đặc cách tốt nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho các em.

Trường hợp bất đặc biệt mới sử dụng phương thức trực tiếp trên phiếu

Về quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2022, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, tuyển sinh năm 2022 về cơ bản giữ ổn định như những năm trước. Tuy nhiên, dự kiến sẽ có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật giúp giảm thiểu vướng mắc, bất cấp (nếu có) nhằm tạo điều kiện tối đa cho thí sinh từ khâu đăng ký, xét tuyển cũng như đảm bảo tính công bằng, minh bạch khách quan giữa các phương thức tuyển sinh. Dự kiến sẽ điều chỉnh một số bất cập trong khâu kỹ thuật của công tác tuyển sinh và cập nhật các quy định của Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, quy định của Thủ tướng Chính phủ (ví dụ về đối tượng ưu tiên…).

Sự điều chỉnh này nhằm tạo điều kiện tối đa cho thí sinh từ khâu đăng ký, xét tuyển đến đảm bảo tính công bằng, minh bạch khách quan giữa các phương thức tuyển sinh trong một ngành và giữa các trường với nhau; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong khâu xét tuyển. Năm 2022, thí sinh đăng ký xét tuyển chủ yếu bằng hình thức trực tuyến, chỉ những trường hợp bất khả kháng mới sử dụng phương thức trực tiếp trên phiếu như trước đây. Các thí sinh sẽ được cung cấp tài liệu hướng dẫn chi tiết để nắm rõ thao tác, thậm chí được thực hành cách đăng ký nguyện vọng trước khi đăng ký chính thức.

Về các nguyện vọng của thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào ngành, trường khác nhau; thí sinh vẫn sắp xếp thứ tự ưu tiên, nguyện vọng đăng ký từ cao xuống thấp. Thí sinh sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng tốt nhất theo năng lực, kết quả thi, học tập của mình. Như vậy, thí sinh được tạo điều kiện tối đa ngành yêu thích và đã định hướng, phù hợp năng lực, thế mạnh của mình để lựa chọn; các cơ sở đào tạo cũng hạn chế tối đa lượng thí sinh ảo và đảm bảo trong công tác tuyển sinh. Về quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2022, Bộ GD&ĐT cho biết, dự kiến năm 2022, thí sinh đăng ký xét tuyển chủ yếu bằng hình thức trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Cổng tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Chỉ những trường hợp bất đặc biệt mới sử dụng phương thức trực tiếp trên phiếu như trước đây.

Dự kiến, thí sinh thực hiện việc đăng ký thi tốt nghiệp THPT trước khi thi như mọi năm, còn việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH sẽ tiến hành sau khi thi tốt nghiệp xong. Thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH có thể sẽ kéo dài từ sau khi tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT tới khi có thông báo kết quả thi. Với cách thức này, thí sinh có đủ thời gian cân nhắc, quyết định mà không cần thay đổi nhiều về nguyện vọng, không mất đi quyền lợi về đăng ký tuyển sinh, đồng thời tiết kiệm về thời gian, công sức nói chung... trên toàn hệ thống.

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.