Hà Nội: Tạo cơ chế chính sách để xây dựng TP thông minh

Theo Sở TT&TT Hà Nội, việc xây dựng TP thông minh ở Hà Nội chính là một trong những phương thức "thông minh" để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, tạo một môi trường đô thị đáng sống cho toàn bộ cư dân Thủ đô.
Hà Nội đã ban hà̀nh nhiều kế hoạch để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, bao gồm cả các ứng dụng thí điểm liên quan đến TP thông minh.
Hà Nội đã ban hà̀nh nhiều kế hoạch để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, bao gồm cả các ứng dụng thí điểm liên quan đến TP thông minh.

Theo Sở TT&TT Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền TP và cung cấp dịch vụ công đã được Hà Nội quan tâm từ nhiều năm nay.

Ngay từ năm 2014, Hà Nội đã đi những bước đi đầu tiên tìm hiểu về xây dựng TP thông minh. Đến năm 2016, bắt đầu triển khai một số ứng dụng TPTM theo phương thức vừa làm vừa rút kinh nghiệm và bước đầu đạt được hiệu quả nhất định.

Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, bao gồm cả các ứng dụng thí điểm liên quan đến TP thông minh. Đến năm 2019, TP đề ra yêu cầu xây dựng Đề án "Xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến 2030" với mục đích xác định một lộ trình tổng thể, đồng bộ để xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một TP thông minh, có vị trí xứng đáng trong Mạng lưới các TP thông minh của ASEAN và thế giới.

Sở TT&TT Hà Nội cho biết, để hướng tới mục tiêu "xây dựng TP thông minh", hiện tại, Hà Nội đã bắt đầu thiết lập hệ thống CNTT theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung trên toàn TP; chuyển đổi từ hình thức triển khai nhỏ lẻ sang triển khai tập trung; tập trung ưu tiên triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành tích hợp thành hệ thống dữ liệu lớn, bảo đảm kết nối chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định.

TP tiếp tục duy trì hoạt động và đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đối với Trung tâm dữ liệu nhà nước Hà Nội tại số 185 Giảng Võ (đã đưa vào hoạt động từ năm 2012) để cài đặt, duy trì các hệ thống thông tin chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị thuộc TP. Đồng thời, thời gian tới, TP tiếp tục đề xuất các giải pháp triển khai các cấu phần cơ bản phục vụ xây dựng TP thông minh như: Trung tâm dữ liệu chính, Trung tâm dữ liệu dự phòng; Trung tâm điều hành thông minh.

Hà Nội cũng tiếp tục triển khai hạ tầng CNTT, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị phục vụ triển khai ứng dụng CNTT theo định hướng của Trung ương và TP.Tiếp tục duy trì và triển khai mở rộng hạ tầng mạng diện rộng của TP (mạng WAN) đến 579/579 xã, phường, thị trấn, kết nối cơ quan chính quyền các cấp của TP.

Bên cạnh đó, tích hợp mạng WAN của Hà Nội vào mạng truyền số liệu chuyên dùng Chính phủ. Kết nối hoạt động mạng tin học UBND TP với Mạng thông tin điện tử hành chính Chính phủ, thực hiện liên thông các hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xuyên suốt đến TP. Bảo đảm duy trì mạng thông tin điện tử, chia sẻ dữ liệu giữa Thành ủy - HĐND - UBND TP phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND TP.

Trong phòng, chống dịch COVID-19, TP đã khai thác, sử dụng hiệu quả Hệ thống họp trực tuyến để triển khai các cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội từ TP đến cấp xã. Đồng thời đã triển khai kết nối liên thông Hệ thống họp trực tuyến của TP với Hệ thống họp trực tuyến của Văn phòng Chính phủ, bảo đảm kết nối thông suốt từ điểm cầu trung ương đến điểm cầu 3 cấp TP.

Hiện nay, Hà Nội đang khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và công tác quản lý điều hành; xây dựng mạng WAN dùng chung toàn TP; đưa vào vận hành hệ thống một cửa liên thông điện tử dùng chung toàn TP, liên thông từ TP đến 30 quận, huyện, và 579 phường xã, thị trấn với 1.448/1.828 dịch vụ công mức độ 3 và 4; Thí điểm triển khai hệ thống biên lai điện tử trong cung cấp các dịch vụ hành chính công.

Cùng với đó tiếp tục duy trì các ứng dụng dùng chung: Cổng thông tin điện tử, hệ thống giao ban trực tuyến, hệ thống thư điện tử công vụ, quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp,... Các dịch vụ thực hiện qua mạng với tỷ lệ cao: Đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng đạt tỷ lệ 100%; hải quan điện tử 100%; kê khai thuế điện tử và bảo hiểm xã hội trên 98%.

Theo Sở TT&TT Hà Nội, việc thiết lập hệ thống CNTT theo hướng tổng thể, đồng bộ nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực.

Theo Sở TT&TT Hà Nội, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, tạo nền tảng xây dựng TP thông minh của TP Hà Nội bước đầu đạt được kết quả như: Thiết lập và duy trì hoạt động của Cổng giao tiếp điện tử của TP; hệ thống điều hành tác nghiệp, theo dõi và rà soát việc thực hiện các nhiệm vụ của tất cả các đơn vị; 100% cán bộ công chức sử dụng email công vụ và thiết lập hệ thống họp trực tuyến trong nội bộ TP; triển khai kết nối trục liên thông trong văn bản điện tử 3 cấp liên thông với Cổng thông tin của Chính phủ.

Minh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.