Tuyên truyền phòng cháy chữa cháy tại khu di tích Chùa Hương

Công an huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội đã chỉ đạo Đội Cảnh sát PCCC&CNCH và Công an xã Hương Sơn liên tục triển khai kiểm tra, tuyên truyền về công tác PCCC&CNCH tới Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương và toàn bộ các hộ kinh doanh.
Tuyên truyền phòng cháy chữa cháy tại khu di tích Chùa Hương
Công an xã Hương Sơn liên tục triển khai kiểm tra, tuyên truyền về công tác PCCC&CNCH tới Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương và toàn bộ các hộ kinh doanh. Ảnh: CATP Hà Nội

Ngày 16-2, khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chính thức mở cửa đón du khách sau thời gian dài đóng cửa phòng dịch.

Trong thời gian tổ chức lễ hội, Chùa Hương đón lượng khách lớn từ các tỉnh, thành trên cả nước đến hành hương và thăm quan thắng cảnh. Để phục vụ nhu cầu của du khách, các hộ kinh doanh đã nhập một lượng hàng hóa lớn và đưa ra nhiều dịch vụ đi kèm, điều này đã làm phát sinh các nguy cơ gây ra cháy, nổ tại các địa điểm kinh doanh.

Để ngăn chặn các nguy cơ có thể xảy ra, Công an huyện Mỹ Đức đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp tuyên truyền và kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn PCCC&CNCH tại lễ hội.

Theo đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã đi đến từng hộ kinh doanh để chỉ ra các nguy cơ có thể gây ra cháy, nổ, hướng dẫn các biện pháp an toàn PCCC, cách sử dụng các phương tiện chữa cháy thông dụng và kí cam kết đảm bảo an toàn PCCC. Cùng với đó, đã hướng dẫn cho Ban quản lý khu di tích cách tự kiểm tra và sử dụng các phương tiện chữa cháy, các khuyến cáo một số nội dung về công tác đảm bảo an toàn PCCC&CNCH. Công an huyện cũng đã phối hợp với ban tổ chức lễ hội liên tục truyền tải các thông tin nhằm đảm bảo an toàn cháy, nổ trên hệ thống loa phát thanh.

Thời gian qua, Công an huyện Chương Mỹ đã chủ động tham mưu huyện ủy, HĐND, UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các ban, ngành cũng như các địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác PCCC. Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC năm 2020, Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác PCCC, Nghị định 136/2020/NĐ-CP…, trong đó, nội dung trọng tâm là củng cố, duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ trong hoạt động PCCC; quan tâm đầu tư trang bị phương tiện, thiết bị PCCC và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân phòng để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.

Hiện, trên địa bàn huyện có 208 đội dân phòng PCCC với tổng số 2.146 đội viên. Năm 2021, Công an huyện đã tổ chức các buổi tuyên truyền về PCCC dưới nhiều hình thức, qua tuyên truyền và huấn luyện, nhận thức, trách nhiệm của lực lượng dân phòng đối với công tác PCCC và CNCH đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác chữa cháy, cứu nạn đạt hiệu quả cao hơn. Trong năm 2021, toàn huyện xảy ra 11 vụ cháy thì các lực lượng ở cơ sở đều tham gia từ đầu, phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC để dập lửa, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

3 tháng đầu năm 2022 và thời gian tới, Công an huyện Mỹ Đức sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Khu di tích cũng như du khách đến tham quan nói riêng, PCCC trên toàn huyện nói chung.

Thế Vinh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.