Mẹ...

Ngày nhỏ, nhìn mẹ lúc nào cũng tất bật công việc, tôi thường hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Sao mẹ chăm làm vậy?”. Mẹ chỉ cười và bảo: “Lớn lên, có gia đình rồi, con sẽ hiểu”.
Mẹ...
Tình yêu của mẹ dành cho con lúc nào cũng đong đầy. Ảnh: Internet

Hỏi vậy thôi chứ tôi biết đó là vì tình yêu với gia đình, đặc biệt là 4 chị em tôi. Hồi trước, nhà tôi rất khó khăn, bố phải bươn trải phương xa để kiếm tiền gửi về cho gia đình, còn mẹ một mình cáng đáng mọi việc từ nhỏ đến lớn. Lương ba cọc ba đồng, ngoài thời gian làm việc tại cơ quan, cứ ai thuê gì mẹ làm nấy, không nề hà bất cứ việc gì. Có những ngày, mẹ đi ngủ khi ngày mới đã sang và chỉ chợp mắt được vài tiếng ít ỏi rồi lại bắt đầu làm việc. Mùa gặt, mẹ gặt đổi, gặt thuê cho hết nhà này đến nhà khác. Có người còn thuê mẹ gặt luôn cả thửa ruộng mấy sào, mẹ đi từ sáng sớm đến đêm khuya mới về. Nhìn mẹ cần mẫn cắt lúa giữa cái nắng như đổ lửa mùa hè, chỉ thở thôi cùng mệt mà nước mắt tôi ứa ra, có cảm giác như ai bóp nghẹt trái tim mình. Bàn tay mẹ ngày càng chai sần, thậm chí là túa máu, nứt nẻ khi mùa đông đến, đôi chân bị nước ăn đến ngứa ngáy, nứt toét nhưng vẫn phăng phăng gieo mạ, cấy lúa, trồng dưa,…

Rồi, mẹ bị tai nạn, bàn chân bị thương nặng, phải tháo 2 ngón chân, bước đi vì thế cũng khập khiễng, nặng nề hơn. Đây cũng là giai đoạn gia đình tôi khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiều người bảo mẹ cho chị gái tôi nghỉ học, đi làm để phụ giúp bố mẹ nhưng mẹ nhất quyết không đồng ý. Nước mắt lã chã, mẹ bảo dù có khó khăn như thế nào cũng không bao giờ để các con thất học. Chưa kịp khỏe hẳn, mẹ nhận thêm nhiều việc về nhà làm.

Mùa đông đến, chân mẹ thường bị nhức hơn. Nhìn mẹ lê những bước đi khó nhọc, tôi hỏi: “Mẹ có đau không”? Mẹ đáp lại bằng một nụ cười: “Chỉ cần các con mạnh khỏe, ngoan ngoãn, những chuyện này không là gì hết”. Tôi biết mẹ đã luôn bấm bụng vào trong, có đau đớn, mệt mỏi nhưng để các con khỏi lo lắng nên lúc nào cũng tỏ ra mình ổn. Thương mẹ, chị em tôi sắp xếp thời gian học tập hợp lý, cứ xong là xúm vào giúp mẹ. Vì chứng kiến những hy sinh của mẹ cho gia đình nên chúng tôi càng nỗ lực vươn lên. Chính mẹ là người đã truyền cho chúng tôi năng lượng sống tính cực, mạnh mẽ, bản lĩnh hơn trong cuộc sống.

Đến tận bây giờ, khi dịch dã căng thẳng, chồng tôi đi làm ăn xa, ông xã của em gái cũng phải công tác xa nhà, mẹ vẫn là người bên cạnh chị em tôi, trông nom các cháu để con cái yên tâm công tác. Có thời điểm, các con cháu bị nhiễm Covid-19, mẹ chính là người bên cạnh chăm sóc, giúp đỡ chúng tôi. Lo cho mẹ bị lây bệnh, chúng tôi bảo: “Hay mẹ cứ về quê đi, chứ trên này dịch căng thẳng lắm, nhỡ đâu mẹ bị lây thì sao?”. Mẹ bảo: “Mẹ về thì ai lo cho chúng mày?”. Mẹ là thế, lúc nào cũng bao dung, che chở cho chúng tôi như thế.

Khi làm mẹ, có con, tôi càng thấu hiểu tấm lòng của những người mẹ. Dường như tình yêu với gia đình, con cái và bản năng của người mẹ đã giúp cho những người phụ nữ có thể vượt qua mọi khó khăn để yêu thương, che chở cho con mình, vun vén cho gia đình.

Chồng đi làm ăn xa khi tôi mang bầu 5 tháng đến nay. Ngày tôi sinh con, nhìn những người phụ nữ đi sinh, có chồng bên cạnh lo lắng, chăm sóc, tôi cố dặn lòng mình phải mạnh mẽ lên nhưng cảm giác tủi thân vẫn trực trào. Sinh mổ nên khi hết thuốc tê, vết mổ đau xé, sữa lại chưa về, nhìn con khát sữa cứ đi tìm ti mẹ mà lòng nhói buốt. Rồi những lần các con bị ốm, bà ngoại chưa kịp ở quê lên giúp, phải một mình đưa các con đi viện, giây phút ngồi ngoài chờ kết luận của bác sĩ mà lòng rối như tơ vò. Đưa con đi viện về cũng là lúc phải bắt tay ngay vào công việc.

Đặc thù công việc của tôi là phải tác nghiệp nhanh, đảm bảo tính thời sự của thông tin nên khi con ốm quấy khóc, áp lực sẽ lớn hơn rất nhiều. Đó là chưa kể thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách, trường học đóng cửa, mẹ bận chăm em gái mới sinh, có lần đi làm, tôi phải chở con lớn, địu con bé đi cùng. Đến nơi để cháu lớn trông em, còn tôi thì nhanh chóng tác nghiệp. Xong việc, 3 mẹ con lại lóc cóc ra về. Nhà có con nhỏ nên tôi thường tranh thủ viết bài vào ban đêm, sau đó chợp mắt vài tiếng, rồi lại bắt đầu ngày mới. Có những ngày bị ốm, người mệt mỏi, đau đớn cảm giác như không còn sức lực nhưng vẫn phải cố gắng lo cho con. Tôi dặn lòng mình: Hãy nhìn mẹ mà xem, bao khó khăn, mệt nhọc mẹ đã từng vượt qua thì những thứ này với mình có là gì? Cứ thế, tôi cố gắng vượt qua từng chút một.

Những khó khăn của tôi có thể chỉ bằng một phần rất nhỏ của nhiều người phụ nữ khác. Bạn tôi, có người, cả gia đình đều là F0, một mình phải cáng đáng nhiều công việc cùng lúc. Hết cơm nước, thuốc men, chăm sóc cả gia đình lại phải tất bật với công việc cơ quan, dạy con học hành. Có người, dù là F0 nhưng nhà neo người vẫn phải chăm sóc, lo lắng cho gia đình. Có nhiều người phụ nữ phải đối diện với những bất hạnh đến cùng cực nhưng vì con cái đã mạnh mẽ vượt qua tất thảy.

Mọi thứ đều bị thời gian bào mòn, riêng tình thương của người mẹ là không thể. Trái tim những người phụ nữ lúc nào cũng nóng hổi yêu thương. Họ luôn lo lắng cho con từ khi mang bầu đến khi rời xa cuộc đời này. Nhìn ánh mắt, nụ cười, sự lớn lên từng ngày của con, bao mệt mỏi lại nhanh chóng tan biến.

Ngoài kia thế giới bao la rộng lớn, còn thế giới của mẹ chính là con, là niềm vui của con, là ngôi nhà, là gia đình. Làm mẹ vì thế luôn là điều hạnh phúc nhất. Bao dông gió cuộc đời cũng không thể quật ngã được họ, thậm chí còn khiến họ trở nên bản lĩnh, kiên cường hơn bao giờ hết…

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.