Công an TP Hà Nội:

Triển khai các dịch vụ công đem lại hiệu quả tích cực trong công tác cải cách hành chính

Bước đầu triển khai các dịch vụ công đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác cải cách thủ tục hành chính, việc kê khai hồ sơ trực tuyến của người dân được thuận lợi hơn nhiều do dữ liệu cá nhân của công dân được lấy trực tiếp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là kết luận được đưa ra trong buổi làm việc của Tổ công tác triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư định danh và xác thực điện tử của Chính phủ giữa Bộ Công an với CATP Hà Nội.
Triển khai các dịch vụ công đem lại hiệu quả tích cực trong công tác cải cách hành chính
Bước đầu triển khai các dịch vụ công đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác cải cách thủ tục hành chính, việc kê khai hồ sơ trực tuyến của người dân được thuận lợi hơn nhiều do dữ liệu cá nhân của công dân được lấy trực tiếp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Theo tin từ CATP Hà Nội, từ ngày 25-2-2022 đến nay, CATP đã tổ chức tiếp nhận 1.809 hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử kết hợp cấp CCCD cho công dân; CATP đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện rà soát các điều kiện về máy móc, cơ sở hạ tầng đề triển khai ngay khi có yêu cầu, CATP bố trí khoảng 2.355 cán bộ chiến sĩ tham gia thực hiện công tác giải quyết thủ tục hành chính và các nhiệm vụ khác ở tất cả các cấp.

Liên quan đến vấn đề cấp CCCD, mã định danh, đại diện chỉ huy Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết, về kế hoạch cấp, trả CCCD, CATP đã có giải pháp rất cụ thể, đồng thời cũng nêu ra một số khó khăn, cần khắc phục về phương tiện kỹ thuật, máy móc khi cấp mã số định danh cá nhân…

Về vấn đề cấp biển số xe và nộp phạt trực tuyến, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông cho biết, cấp biển số xe, Cục Cảnh sát giao thông đã xuống hướng dẫn, tập huấn các quy trình cho đơn vị; về nộp phạt online trực tuyến đơn vị đã có hướng dẫn người dân theo các bước, bên cạnh đó cũng còn một số khó khăn do phần mềm mới khai thác dữ liệu và một số bên liên quan như: Kho bạc nhà nước và Ngân hàng còn chậm khi cập nhật thông tin với nhau…

Đại diện chỉ huy Phòng Viễn thông tin học và Cơ yếu cũng nêu lên những khó khăn trong việc tích hợp đối với các ứng dụng dịch vụ công; mật mã phải có sản phẩm xác định cho mỗi ứng dụng. Về vấn đề này, CATP đã kiến nghị với Cục Viễn Thông và cơ yếu trong việc hỗ trợ và làm sạch dữ liệu, để đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật thông tin…

Đoàn công tác do đồng chí Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an chủ trì. Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Trung tướng Tô Văn Huệ nhấn mạnh, Đề án 06 là Đề án "Phát triển ứng dụng về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030”. Do đó, các đơn vị địa phương phải bảo đảm duy trì dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống” để phục vụ các nhiệm vụ của Đề án; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện kỹ thuật kết nối, chia sẻ để phục vụ phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, phải làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng cho xã hội về lợi ích của Đề án, về những đóng góp vào lợi ích chung, cũng như là lợi ích cho mỗi người dân; lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển, những nỗ lực, đổi mới, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Đề án và của Bộ Công an trong vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và quản lý căn cước công dân.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình về thời gian, nhân lực bảo đảm thực hiện thành công Đề án gắn với Chương trình chuyển đổi số quốc gia; bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các cấp trên cơ sở theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình, quan tâm chỉ đạo quyết liệt để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tăng cường kiểm tra, đôn đốc trực tiếp tại cơ sở, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc phát sinh…

Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh ngày 17-2 đã ký ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND, thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Mục đích của đề án là tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ; huy động sự vào cuộc tối đa của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các sở, ban, ngành; chính quyền các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, sự tham gia đồng hành của tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân bảo đảm thành công của đề án.

CATP là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án đã tham mưu cho UBND TP ban hành nhiều kế hoạch, nhiệm vụ để triển khai thực hiện, bên cạnh đó trong quá trình thực hiện cũng gặp phải một số khó khăn vướng mắc như: cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nguồn nhân lực. Cục Cảnh sát QLHC về TTXH sẽ tập hợp báo cáo lãnh đạo Bộ để đưa ra những giải pháp tối ưu phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa bàn Hà Nội.

Thế Vinh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.