Lan tỏa giá trị sách nói tới cộng đồng người khiếm thị

Mạng xã hội bùng nổ tạo ra nhiều ứng dụng đọc truyện online, thế nhưng thư viện sách nói kết nối những người khiếm thị yêu sách với những người không khiếm thị vẫn tạo màu sắc riêng biệt.
Buổi tập huấn kỹ năng sản xuất các đầu sách nói cho các tình nguyện viên tham gia dự án “Đồng hành cùng người khiếm thị”. Ảnh tư liệu
Buổi tập huấn kỹ năng sản xuất các đầu sách nói cho các tình nguyện viên tham gia dự án “Đồng hành cùng người khiếm thị”. Ảnh tư liệu

Nằm trong chuỗi dự án “Đồng hành cùng người khiếm thị”, hoạt động thư viện sách nói cùng người khiếm thị do Hội Người mù quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã chính thức khởi động đầu tháng 3-2022. Thông qua mạng xã hội, các tình nguyện viên thu âm sách hay, đầu sách với nội dung nhân văn, ý nghĩa đăng tải trên kênh fanpage “Đồng hành cùng người khiếm thị”. Mục đích của dự án nhằm truyền cảm hứng kết nối trong cộng đồng và lan tỏa tri thức cho mọi người, đặc biệt là cho người khiếm thị.

Trước nay, sách cho người khiếm thị gồm có ba loại: sách nói (talking books), sách minh họa nổi (tactile books) và sách chữ nổi (braille books). Trong đó, sách nói là một trong những loại sách hữu dụng với người khiếm thị giúp họ có thể tận dụng bất kể thời gian nào để nghe, tại mọi địa điểm và trên tất cả các thiết bị công nghệ như máy tính, ĐTDĐ,... Sách nói được coi là người bạn đồng hành với người khiếm thị. Hiện nay, trên ứng dụng đọc truyện online đăng tải đa dạng hình thức sách nói nhưng hạn chế là các đầu sách chưa hướng tới đối tượng đặc thù

Điều khác biệt ở dự án không chỉ dừng lại ở sách nói, còn là sự đồng cảm, thấu hiểu giữa những người mắt sáng với những người kém may mắn. Tham gia dự án, nhiều tình nguyên viên bày tỏ niềm yêu thích với công việc thiện nguyện này. Họ không chỉ góp tiếng nói, việc làm ý nghĩa mà còn cơ hội được hiểu về chữ nổi, hiểu về những khó khăn của những người không may mắn có đôi mắt sáng. Đó còn là những đầu sách được những người khiếm thị gửi đến. Bởi thế, những đầu sách được làm ra từ chính mong muốn của những người khiếm thị lại càng có ý nghĩa hơn khi có thể đáp ứng được những điều mà họ đang cần.

Hơn nữa, khi các tình nguyện viên tham gia dự án, bên cạnh nâng cao văn hóa đọc còn tăng cơ hội kết nối cộng đồng giữa những người sáng mắt với người khiếm thị. Giữa hai mảng màu sáng - tối đối lập, các hoạt động sách nói là bức tường phá vỡ hàng rào của sự kỳ thị, là cơ hội để người khiếm thị tiếp cận tri thức văn hóa để dễ dàng hòa nhập với cộng đồng.

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.