Hà Nội ưu tiên xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số

GĐ Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, Hà Nội xác định, ưu tiên xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính.
TP Hà Nội đã xác định ưu tiên xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cải hành chính
TP Hà Nội đã xác định ưu tiên xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cải hành chính

Cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, thời gian qua, TP Hà Nội đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. TP Hà Nội đã thực hiện rà soát, đánh giá và phê duyệt số lượng lớn đối với quy trình giải quyết nội bộ TTHC, chủ yếu ở những lĩnh vực liên quan đến nhiều giao dịch hành chính, dịch vụ công ích: Giáo dục, Lao động, thương binh và xã hội; Tư pháp; Công thương; Giao thông vận tải... (rà soát 550 TTHC và thông qua phương án đơn giản hóa 177 TTHC, phê duyệt đối với 1.754 quy trình giải quyết nội bộ TTHC).

GĐ Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, sau khi ban hành và triển khai Kế hoạch xây dựng Quy chế phối hợp liên thông các TTHC; trên cơ sở đó, TP đã phê duyệt Đề án "Liên thông TTHC: Đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước – Cấp phiếu lý lịch tư pháp", Quy chế phối hợp thực hiện liên thông một số TTHC thuộc lĩnh vực Lao động, thương binh và xã hội. Đối với các nhóm TTHC liên thông còn lại TP đang chỉ đạo tập trung rà soát, đánh giá và hoàn thành trong Quý I-2022 việc xây dựng quy trình liên thông về: Cấp phép xây dựng (cấp huyện) - Cung cấp thông tin quy hoạch và Cung cấp thông tin địa chính; Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Thuế, Công chứng, điều chỉnh và hoàn thiện các quy định, quy trình liên thông trong lĩnh vực đầu tư. Đối với thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ việc ủy quyền công chức Tư pháp - Hộ tịch các phường được ký chứng, đến nay, toàn TP đã có 146/175 phường (đạt tỷ lệ 83,4%) thực hiện ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch. Cũng theo bà Vũ Thu Hà, việc ủy quyền cũng giúp giảm đầu mối, lược bỏ các bước xử lý nội bộ, tạo điều kiện cho công chức Tư pháp - Hộ tịch chủ động hơn trong việc bố trí thời gian giải quyết công việc, giảm áp lực công việc và tăng đáng kể thời gian giải quyết các công việc khác cho lãnh đạo UBND phường.

Từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển chính quyền điện tử

Theo báo cáo của Sở Nội vụ Hà Nội, nhờ chỉ đạo và triển khai kịp thời, các hoạt động cung ứng dịch vụ công của TP, nhất là một số lĩnh vực thiết yếu, an sinh xã hội: Công chức - chứng thực, Giáo dục, Y tế, Lao động, thương binh và xã hội, Vệ sinh Môi trường - Đô thị, Trật tự an toàn xã hội... đều được duy trì, thường xuyên, liên tục, góp phần ổn định các chuỗi cung ứng, sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ của các DN, các hoạt động đời sống dân sinh của người dân, tổ chức sinh sống và làm việc trên địa bàn TP. Đối với việc thực hiện phân cấp theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1104/TTg-KSTT ngày 25-8-2021 về triển khai xây dựng Đề án"Phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính", TP đã giao GĐ, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc TP; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã Đống Đa, Sơn Tây, Thanh Trì tổ chức rà soát, đánh giá và đề xuất phân cấp TTHC theo quy định. Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo, thống nhất thực hiện trong Quý 2-2022.

Hà Nội đã tổ chức thực hiện thí điểm thành công mô hình chính quyền đô thị theo quy định tại Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ. Theo đánh giá, bước đầu việc tổ chức thực hiện thí điểm, tổ chức bộ máy chính quyền TP trong khu vực các quận đã gọn, nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn; cơ quan hành chính phường đã tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa phương trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính nhà nước nhưng vẫn bảo đảm quyền đại diện và quyền làm chủ của Nhân dân.

GĐ Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, Hà Nội xác định, ưu tiên xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong CCHC. Để triển khai thực hiện, TP đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử TP và ban ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo để đảm bảo công tác lãnh đạo, điều hành hoạt động xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số thông suốt, liên tục, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử TP Hà Nội - Xây dựng Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, tạo khung pháp lý cho việc xây dựng và phát triển chính quyền điên tử, chính quyền số. “Trong năm 2022, Hà Nội tiếp tục duy trì, nâng cấp mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện có của TP theo lộ trình, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số”, bà Vũ Thu Hà nhấn mạnh.

Thời gian qua, Hà Nội đổi mới công tác tuyên truyền về cải cách TTHC qua mở rộng, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử, các mạng xã hội (Zalo, Facebook), nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, khu dân cư điện tử... Bên cạnh đó, tăng cường, khuyến khích người dân, tổ chức việc tiếp nhận và trả kết quả tới công dân qua hệ thống bưu chính công ích, hình thức trực tuyến trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của TP, Cổng dịch vụ công Quốc gia, đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 trong thực hiện TTHC khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đến nay, 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đều bảo đảm các biện pháp an toàn phòng chống dịch trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công.

Khánh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.