Hà Nội nghiên cứu mô hình “thành phố trong thành phố”:

Bước trung gian để nâng cấp đô thị đặc biệt

Hà Nội đang có ý tưởng về mô hình “TP trong TP” nhằm thúc đẩy phát triển, tạo ra cực tăng trưởng và bộ mặt mới trong phát triển đô thị.
Nghiên cứu khả năng phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn)
Nghiên cứu khả năng phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn)

“Động lực tăng trưởng”

Có thể thấy rằng đây là ý tưởng đang được đưa ra xem xét nhằm tạo ra thêm cho Thủ đô những tín hiệu tăng trưởng, bộ mặt đô thị mới. Bên cạnh việc quy hoạch về đô thị, các cơ chế của TP mới sẽ thúc đẩy, tạo đà cho sự phát triển bền vững.

Ủng hộ việc nghiên cứu mô hình “TP trong TP”, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm phân tích, "TP trong TP" là mô hình mới được Việt Nam chính thức công nhận từ năm 2016 theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “Hà Nội có diện tích hơn 3.000km2, có nhiều đô thị vệ tinh cần có cơ chế chính sách mới thúc đẩy các đô thị vệ tinh phát triển. TP HCM đã xây dựng TP Thủ Đức và đây là mô hình mà Hà Nội cần nghiên cứu thực hiện”, TS Đào Ngọc Nghiêm cho hay.

Theo các chuyên gia đô thị, TP sẽ tập trung nghiên cứu khả năng phát triển mô hình “TP trong TP” tại khu vực Bắc sông Hồng gồm các huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn với mô hình "TP trong TP" là một giải pháp đáng được quan tâm. Đây được xem như là một bước trung gian để đưa giảm áp lực đầu tư và nâng cấp đô thị thành đô thị trung tâm.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đánh giá, hiện có rất nhiều yếu tố được xem là động lực để thành lập TP ở khu vực phía Bắc sông Hồng. Đây là đô thị cửa ngõ của Hà Nội trong cấu trúc hạt nhân của Vùng Thủ đô (gồm Hà Nội - Vinh Phúc - Bắc Ninh). Khu vực này có sân bay Nội Bài gắn với các hoạt động logistics, outlet… và nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hơn nữa, khu vực này có các dự án đô thị thông minh, trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, các khu công nghiệp tập trung cơ bản đã lấp đầy...

Đánh giá về vấn đề này, ông Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, điều quan trọng nhất để mô hình thành công, đó là phải xây dựng cho được cơ chế vận hành, hành lang pháp lý phù hợp và từ đó mới thực sự tạo ra được sự phát triển mới.

Ưu tiên lấy trục xanh làm trung tâm

Trước đó, tại Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVII) diễn ra ngày 23 và 24-2, Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội đã có tờ trình đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Tại tờ trình, Ban Cán sự đảng UBND TP đã nêu một số định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô gắn với định hướng phát triển đô thị TP Hà Nội trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành. Trong đó, sẽ nghiên cứu định hướng mô hình “TP trong TP” tại khu vực phía Bắc và phía Tây TP; nghiên cứu định hướng cấu trúc không gian lấy trục sông Hồng là trục xanh làm trung tâm.

TP cũng sẽ nghiên cứu định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường Vành đai 4, phát triển đô thị 2 bên đường Vành đai 4 nhằm khai thác hiệu quả sử dụng đất, giá trị đất đai sau khi đầu tư xây dựng tuyến đường, tạo nguồn lực, động lực phát triển cho các địa phương có đề án thành lập quận trước mắt cũng như lâu dài.

TP Hà Nội kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quốc hội chỉ đạo tổ chức xây dựng và ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo các chủ trương, định hướng lớn về đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị nêu trong các văn kiện của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030… Trong đó, lấy người dân làm trung tâm, chất lượng sống làm cơ bản, giúp Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện, xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, là đô thị đặc biệt, hạt nhân của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Sở Quy hoạch - kiến trúc thông tin, quy hoạch chung định hướng phát triển không gian tại các khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái, thị trấn và khu vực phát triển nông thôn (khu vực hành lang xanh); định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, gồm định hướng quy hoạch 12 chuyên ngành, ngành, lĩnh vực đã được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; định hướng bảo tồn di sản. Trong đó, sẽ nghiên cứu định hướng mô hình “TP trong TP” tại khu vực phía Bắc và phía Tây thành phố; nghiên cứu định hướng cấu trúc không gian lấy trục sông Hồng là trục xanh làm trung tâm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, cần nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội trước, trên cơ sở đó sẽ có đánh giá đầy đủ hơn về việc thành lập “TP trong TP”. Hà Nội đang rà soát đánh giá việc thực hiện Luật Thủ đô và đề xuất sửa đổi nội dung của luật này. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện phát triển Hà Nội.

Triệu Tâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.