Cần sớm đưa kit test vào diện bình ổn giá

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm đưa kit test nhanh vào diện bình ổn giá và cho các tổ chức y tế được bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh để giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Chi phí kit test nhanh luôn là gánh nặng cho không chỉ doanh nghiệp mà còn người dân.
Chi phí kit test nhanh luôn là gánh nặng cho không chỉ doanh nghiệp mà còn người dân

Khi số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục lập đỉnh mới, khiến người dân lo lắng. Nhiều gia đình tìm cách tích trữ thuốc, kit test nhanh dù tốn khoản tiền không hề nhỏ. Việc nhiều hộ gia đình tích trữ kit test nhanh Covid-19 đã khiến mặt hàng này khan hiếm, đẩy giá lên cao.

Gia đình anh Lại Quý Ba (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, cả 2 vợ chồng do đặc thù công việc hàng ngày phải tiếp xúc với nhiều người nên anh Ba đã quyết định lên phương án dự phòng cho sức khỏe của cả nhà. Mới đây, anh Ba chi hơn 4 triệu đồng mua 60 que kit test nhanh với giá 70 nghìn/que.

Ngoài ra, vợ anh Ba còn mua các loại thuốc và vitamin cho trẻ em và người lớn trong nhà. Số thuốc, thực phẩm chức năng gần 20 loại với tổng số tiền trên 9 triệu đồng. Các loại chị chuẩn bị gồm xịt keo ong kháng khuẩn, kẽm, nước súc miệng, cồn, thuốc ho, thuốc nhỏ mắt, thuốc hạ sốt, bổ phế…

Tương tự, dù gia đình chưa có người mắc Covid-19 nhưng anh Vũ Huy Phương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn lo lắng khi nhìn số ca mắc của cả nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng tăng từng ngày. Anh Phương đã chi hơn 10 triệu đồng tiền thực phẩm chức năng tăng đề kháng và hơn 3 triệu đồng mua kit test nhanh để dự phòng.

Khi được hỏi lý do anh chi số tiền lớn để mua kit test khi bản thân chưa có triệu chứng như ho, sốt, khó thở..., anh Phương cho biết: "Tôi có nghe phong phanh rằng nhiều người bị F0 đã không gọi được y tế phường, phải tự dựa vào bản thân để điều trị, vì vậy tôi mua các thuốc, vật dụng để phòng. Nếu chẳng may mắc tôi cũng chủ động để tự lo cho bản thân và gia đình".

Theo các chuyên gia y tế, người dân không nên tích trữ test nhanh. Người dân chỉ thực hiện việc test nhanh tại nhà khi có nguy cơ, triệu chứng như ho, sốt, khó thở... Việc test nhanh nhiều, không cần thiết sẽ làm mất thời gian và lãng phí. Vì vậy người dân không cần tích trữ.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), người dân không nên tích trữ que test nhanh. Vì không phải người nào cũng test, chỉ người có nguy cơ và triệu chứng mới thực hiện xét nghiệm tại nhà này. Ngoài ra, tích trữ gây thiếu hụt ảo khiến người cần thì không thể mua được, người không cần lại tích trong nhà.

Dưới góc độ giá cả thị trường, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện nay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số người mắc ngày càng tăng, đặc biệt tại Hà Nội. Thậm chí những người chưa mắc Covid-19 cũng mua kit test. Vì vậy ngoài nhu cầu thực thì nhu cầu phòng ngừa ngày càng tăng. Cầu tăng mà cung có mức độ làm giá sẽ tăng. Lợi dụng những lúc này nhiều nơi trục lợi, bất chấp, không ít cửa hàng đẩy giá cao hoặc có mà vẫn găm hàng.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cơ quan chức năng cần sớm đưa kit test nhanh vào diện bình ổn giá và cho các tổ chức y tế được bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh để giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

“Nhà nước cần quản lý, phải xem xét từng loại kit test về nguồn gốc, xuất xứ… để có thể quy định mức giá trần. Điều này vẫn tạo ra sự cạnh tranh nhưng không được vượt quá mức giá cho phép”, ông Doanh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, các cơ quan chức năng phải vào cuộc nhanh chóng, điều quan trọng nhất phải đưa lượng cung ra thị trường. Đối với những nơi cố tình gom hàng, đẩy giá để trục lợi, ngoài phạt tiền cần có chế tài đủ mạnh để răn đe. Đồng thời, cần có "đường dây nóng" để người dân phản ánh những bất cập đến cơ quan chức năng, kịp thời xử lý, giải quyết.

Khánh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.