Ngân hàng và nhà mạng thống nhất thu phí SMS Banking mức 11.000 đồng/tháng

Tại cuộc trao đổi giữa Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Bộ Thông tin Truyền thông cùng với đại diện các ngân hàng hội viên và đại diện của ba nhà mạng lớn tại Việt Nam (gồm: Viettel, VNPT, Mobifone) về việc điều chỉnh tính phí dịch vụ SMS, các đơn vị đã thống nhất được phương án thu phí chung là 11.000 đồng/tháng.
Ngân hàng và nhà mạng thống nhất thu phí SMS Banking mức 11.000 đồng/tháng
Tin nhắn thông báo thu phí SMS Banking với mức 77.000 đồng khiến khách hàng không khỏi sốc

Ông Trần Duy Hải – Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: “Cuối cùng thì các doanh nghiệp viễn thông và các ngân hàng thương mại cũng thống nhất được phương án 11.000 đồng đã bao gồm thuế VAT, không giới hạn số tin nhắn với sự đồng thuận của các ngân hàng. Mức phí này sẽ giúp thúc đẩy người dân không ngần ngại thanh toán không dùng tiền mặt khi mà họ bị giới hạn và trải nghiệm thì thuận lợi”.

Theo thống kê từ các ngân hàng, 70% lượng tin nhắn là thông báo biến động số dư, số còn lại là tin nhắn mã OTP. Từ đầu năm 2022, nhiều ngân hàng đã thay đổi cách thu phí SMS khiến người dùng phải bỏ ra số tiền gấp 2, 3 thậm chí 7 lần mức thu trước đây. Điều này gây bức xúc cho khách hàng, đòi hỏi ngân hàng và nhà mạng phải tìm ra hướng thu phí phù hợp hơn. Nhiều khách hàng phản ánh về việc bị ngân hàng trừ phí dịch vụ SMS Banking tháng 1-2022 với số tiền cao hơn nhiều so với các tháng trước, từ 27.500-77.000 đồng (thay vì 11.000 đồng). Việc tăng phí gây sốc này được các ngân hàng lí giải là tăng phí tin nhắn SMS banking lên bằng đúng số phí mà các nhà mạng thu thực tế (700 - 800 đồng/tin nhắn) để ngân hàng khỏi bù lỗ như thời gian qua.

Đại diện của ba nhà mạng lớn cho rằng việc áp dụng mức phí 700-800 đồng/1 tin nhắn cao hơn mức phí đối với cá nhân là do các nhà mạng phải đầu tư trang thiết bị và công nghệ, với kinh phí lớn để tăng độ bảo mật, tốc độ… nên giá thành của tin nhắn phải cao hơn so với cá nhân sử dụng cùng loại dịch vụ.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho biết trên thực tế, các ngân hàng thu phí SMS Banking để trả tiền cho nhà mạng và không có lãi từ dịch vụ này. Nhiều ngân hàng trước đây bù đắp phần lỗ từ dịch vụ SMS Banking nhờ thu phí giao dịch online của khách hàng. Tuy nhiên, kể từ khi phần lớn miễn phí giao dịch trực tuyến, các ngân hàng đặc biệt là những bên có lượng khách hàng lớn không có nguồn thu bù đắp.

Ngân hàng và nhà mạng thống nhất thu phí SMS Banking mức 11.000 đồng/tháng
Với mức giá cước trọn gói 11.000 đồng/tháng vừa thống nhất không giới hạn lưu lượng đã nhận được sự chào đón và nhất trí cao của các ngân hàng thương mại do đáp ứng được xu hướng người dân, khách hàng ngày càng ưu thích sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhưng không tăng cước thu của khách hàng, gây áp lực tài chính đối với người dân

Tại cuộc họp trực tuyến do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa tổ chức, các nhà mạng viễn thông và ngân hàng đã thống nhất giải pháp “thu phí trọn gói” là khả thi, vừa đảm bảo lợi ích của khách hàng nhưng cũng vừa đảm bảo lợi ích của các tổ chức tín dụng và của chính các nhà mạng.

Trước đó, theo đại diện các ngân hàng, tình trạng giả mạo tin nhắn thương hiệu ngân hàng (SMS brandname) lại đang diễn ra phổ biến, từ đó ảnh hưởng đến uy tín của các ngân hàng. Các ngân hàng đã phải dành một khoản chi phí lớn để truyền thông cảnh báo giúp khách hàng nhận diện và phòng tránh những rủi ro liên quan đến các đối tượng lừa đảo qua hình thức tin nhắn.

Để bù đắp chi phí cũng như giúp khách hàng tránh được những rủi ro lừa đảo qua SMS brandname, các tổ chức tín dụng cho biết, đã và đang khuyến khích khách hàng chuyển sang sử dụng các tiện ích của ngân hàng số và sử dụng xác thực giao dịch thông qua Smart OTP.

Từ những vấn đề nêu trên, đại diện các ngân hàng đề nghị các nhà mạng xem xét thu mức phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng sao cho hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp viễn thông, các tổ chức tín dụng và của chính khách hàng. Cùng đó, việc giảm phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng cũng góp phần thúc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng đề nghị các nhà mạng tiếp tục tăng cường đảm bảo an toàn, bảo mật hơn nữa. Mặt khác, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp chặt chẽ hơn để bịt các lỗ hổng và kẽ hở bảo mật, nơi các đối tượng tội phạm lợi dụng tấn công.

Ghi nhận những ý kiến từ các tổ chức tín dụng, đại diện các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đều bày tỏ đồng cảm và chia sẻ đối với những khó khăn của các tổ chức tín dụng, vì đây cũng là những khó khăn mà các doanh nghiệp viễn thông đang gặp phải.

Theo đó, với tinh thần chia sẻ khó khăn và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các doanh nghiệp viễn thông đề xuất: “thu phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng theo phương án trọn gói, các doanh nghiệp viễn thông cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ”.

Riêng đối với tình trạng SMS brandname, các doanh nghiệp viễn thông cho biết, tình trạng này không xuất phát từ hệ thống của nhà mạng mà do các đối tượng tội phạm sử dụng các trạm di động ảo để chèn sóng. Hiện tại các nhà mạng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh hoạt động truy tìm các đối tượng tội phạm này.

Với mức giá cước trọn gói 11.000 đồng/tháng vừa thống nhất không giới hạn lưu lượng đã nhận được sự chào đón và nhất trí cao của các ngân hàng thương mại do đáp ứng được xu hướng người dân, khách hàng ngày càng ưu thích sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhưng không tăng cước thu của khách hàng, gây áp lực tài chính đối với người dân.

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.