Bộ GTVT trả lời kiến nghị cử tri TP Hà Nội về dự án tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 1507/BGTVT-ĐTCT gửi đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội trả lời kiến nghị cử tri TP Hà Nội gửi tới sau Kỳ họp thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Bộ GTVT trả lời kiến nghị cử tri TP Hà Nội về dự án tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Dự án tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ giúp thúc đẩy hạ tầng giao thông và bất động sản liên quan

Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri TP Hà Nội (cử tri huyện Thanh Oai) do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 19/BDN ngày 10-1-2022, nội dung kiến nghị như sau:

“Cử tri đề nghị lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thực hiện dự án tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô để báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, theo đó đối với các khu vực dân cư đường Vành đai 4 đi qua phải thiết kế đường gom dân sinh và kết nối với hệ thống giao thông hiện có để đảm bảo an toàn giao thông và phát triển kinh tế - xã hội”.

Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP Hà Nội nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT trả lời rằng:

Bộ GTVT thống nhất, đồng thuận ý kiến của cử tri TP Hà Nội về việc đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối thuận lợi, bảo đảm an toàn giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các quận huyện có tuyến đi qua nói riêng và của thành phố, khu vực nói chung. Dự án tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được Chính phủ giao UBND TP Hà Nội chuẩn bị đầu tư Dự án. Thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã chủ trì lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định. Hiện nay, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đang được Hội đồng thẩm định Nhà nước (do Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì) thẩm định, hoàn thiện để Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Trong quá trình triển khai, Bộ Giao thông vận tải cùng các Bộ, ngành liên quan (Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Nông nghiệp & PTNT,…) phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội để hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đảm bảo tiến độ, chất lượng yêu cầu.

Theo nội dung Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do UBND TP Hà Nội lập, Dự án Vành đai 4 được chia thành 3 dự án thành phần, trong đó có đầu tư xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành hai bên tuyến đường (thuộc dự án thành phần số 2), đáp ứng yêu cầu như kiến nghị của cử tri nêu trên.

Được biết, Sau chỉ đạo của Thủ tướng về việc phải trình dự án đường vành đai 4 lên Chính phủ chậm nhất ngày 10-3-2022, Hà Nội và các địa phương có dự án này đi qua đang tốc lực đẩy nhanh tiến độ. Theo đó, dự án đường vành đai 4 sẽ có 8 nút giao chính được xây dựng giai đoạn 1 bao gồm: nút giao cao tốc Nội Bài - Lào Cai; nút giao đường trục Mê Linh; Đại lộ Thăng Long; Quốc lộ 6; nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ; nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Quốc lộ 38; nút giao cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy, mặc dù vẫn đang trong quá trình chuẩn bị chủ trương đầu tư, song đã có nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến dự án cho thấy sự hấp dẫn của siêu dự án hạ tầng này.

Một thông tin nóng hổi khác cũng vừa được tiết lộ là sân bay thứ 2 của Hà Nội dự kiến sẽ bám trục kết nối của vành đai 4 với quốc lộ 1 để hoàn thiện các loại hình giao thông kết nối Thủ đô với các trung tâm kinh tế khác.

Thế Vinh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.