Hà Nội: Hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại

Bức tranh giao thông Hà Nội có nhiều màu sáng. Với nỗ lực không ngừng nghỉ, Hà Nội đang vươn mình, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một TP hiện đại, xứng tầm là Thủ đô và có vị thế trong khu vực và thế giới.
Hà Nội đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc phát triển, đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đô thị. Việc hiện đại hóa hạ tầng giao thông Thủ đô được kỳ vọng sẽ tạo không gian phát triển mới, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
Hà Nội đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc phát triển, đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đô thị. Việc hiện đại hóa hạ tầng giao thông Thủ đô được kỳ vọng sẽ tạo không gian phát triển mới, góp phần phát triển kinh tế, xã hội

Luật Thủ đô - cơ sở pháp lý tạo đà phát triển cho Thủ đô

Luật Thủ đô được thông qua ngày 21-11-2012, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013, với các cơ chế đặc thù đã góp phần tích cực xây dựng và phát triển Thủ đô.

Luật Thủ đô dành 1 Điều quy định về Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Theo đó, Điều 17 Luật Thủ đô quy định: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị của Thủ đô được xây dựng, phát triển đồng bộ, hiện đại, bảo đảm định hướng lâu dài và kết nối Thủ đô với các tỉnh, TP trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô và cả nước.

Nhà nước ưu tiên đầu tư và có chính sách huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển, bảo trì, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô lớn, quan trọng trên địa bàn Thủ đô.

UBND TP Hà Nội thực hiện đầu tư theo phân cấp; tổ chức việc đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống quản lý và xử lý chất thải rắn, hệ thống cung cấp năng lượng và chiếu sáng đô thị, hệ thống thông tin liên lạc và kết cấu hạ tầng kỹ thuật khác trên địa bàn Thủ đô.

Thực tế đã chứng minh, kể từ khi có hiệu lực, Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã tạo cơ sở pháp lý ban đầu, góp phần huy động các nguồn lực phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại trên địa bàn Thủ đô.

Khi quy hoạch Thủ đô, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã xác định xây dựng Hà Nội hướng đến là đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại trong tương lai. Điều đó cho thấy, trong chiến lược phát triển Thủ đô, lĩnh vực phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật cũng rất được quan tâm phát triển.

Nhờ đó, trong những năm qua, cảnh quan đô thị được cải thiện rất nhiều, đường phố phong quang, khang trang, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn phòng chống cháy nổ và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

GS Nguyễn Lân Dũng (Chuyên gia cao cấp của Trung tâm Công nghệ Sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên là đại biểu Quốc hội) cho biết, kể từ khi có hiệu lực, Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã tạo cơ sở pháp lý ban đầu, góp phần huy động các nguồn lực phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại trên địa bàn Thủ đô.

“Nhờ đó, trong những năm qua, cảnh quan đô thị được cải thiện rất nhiều, đường phố phong quang, khang trang, đảm bảo an toàn giao thông, môi trường sống tại Thủ đô được cải thiện, sáng – xanh – sạch hơn. Thủ đô đã có bước chuyển mình mạnh mẽ”, GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.

Theo KTS. Trần Ngọc Chính (Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng), trong những năm qua, diện mạo Hà Nội ngày càng thay đổi theo hướng khang trang, hiện đại. TP đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, dự án hạ tầng giao thông. Các công trình kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Nhiều khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được triển khai theo hướng hiện đại, văn minh.

Hạ tầng giao thông Hà Nội - nhiều màu sắc tươi sáng

Hà Nội: Hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại
Năm 2022, Hà Nội sẽ triển khai mạnh mẽ nhiều chủ trương, đề án, dự án quan trọng có tính quyết định, đột phá cho sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.(ảnh: Dự án Cầu Vĩnh Tuy 2 đang được triển khai)

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, thời gian qua, kết quả đầu tư hạ tầng giao thông Thủ đô đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo thế và lực để Hà Nội kết nổi, nâng tầm vị thế. Nhiều lĩnh vực công tác liên quan đến giao thông vận tải trên địa bàn Thủ đô đã được triển khai hiệu quả.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, năm 2021, bám sát chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch, tích cực triển khai thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình công tác trên tinh thần 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt, đáp ứng các yêu cầu đề ra.

Quanh lĩnh vực GTVT, hiện hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thủ đô tiếp tục cải thiện năng lực và chất lượng phục vụ, tỷ lệ vận chuyển năm 2021 ước đạt 15,2%, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và phục vụ tốt nhân dân đi lại trong tình hình mới. Điểm đáng chú ý là, hiện diện tích đất dành cho giao thông trên địa bàn Thủ đô đã tăng từ 0,25-0,3% đất đối thị. Tai nạn giao thông tiếp tục kiềm chế.

Đáng chú ý, Sở GTVT Hà Nội đã tham mưu TP đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn trên địa bàn Thủ đô như Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cầu vòm thép vượt hồ Linh Đàm, nút giao đường Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng... góp phần giúp giao thông Thủ đô từng bước được hoòn thiện, tăng khả năng kết nối, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Cùng với hạ tầng, Hà Nội cũng cùng lúc đưa vào khai thác tàu điện trên cao và xe buýt điện phục vụ vận tải hành khách công cộng. Đầu tháng 12-2021, các tuyến buýt điện đầu tiên đã chính thức lăn bánh phục vụ người dân và ngay lập tức được đánh giá cao bởi công nghệ hiện đại, sự tiện lợi, thân thiện với môi trường. Trong khi đó, với tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông, trong 6 ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ ngày 31-1 đến 5-2), tàu điện cũng đã chở 154.427 lượt hành khách, trong đó có ngày kỷ lục đạt hơn 42.000 lượt khách, là con số thành công ngoài mong đợi.

Theo dự kiến, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội, đoạn đầu của tuyến Nhổn - Hoàng Mai (tuyến đường sắt số 3) phần nổi dài 8,5km phải hoàn thành vào cuối năm 2022 để đưa vào khai thác sử dụng.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (HRB Hà Nội), dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm của Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội được coi là một biểu tượng cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Pháp. Hiện dự án thực hiện đến nay đạt tiến độ tổng thể 74,36%, trong đó riêng đoạn trên cao đạt 94,7%.

Bên cạnh dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội, được biết hiện Hà Nội cũng phát triển nhiều dự án khác như: Dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương được khởi công từ tháng 10-2020 với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, dự kiến vào quý IV-2022 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.

Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2 với tổng mức đầu tư trên 2.500 tỷ đồng nhằm khép kín tuyến Vành đai 2, tăng cường kết nối giữa hai bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc, tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía Bắc, dự kiến sẽ hoàn thành cơ bản các nhịp cầu dẫn phía Long Biên trong năm 2022.

Đặc biệt, Hà Nội đang tập trung triển khai dự án đường Vành đai 4 để tạo động lực phát triển mới cho Thủ đô, thúc đẩy phát triển những vùng còn khó khăn như khu vực phía Nam của TP.

GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh, có thể khẳng định, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Hà Nội đang vươn mình, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một TP hiện đại, xứng tầm là Thủ đô và có vị thế trong khu vực và thế giới.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 11-2-2022, thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 10-12-2021 của HĐND TP về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025. Theo kế hoạch này, Hà Nội sẽ tập trung rà soát quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để cập nhật, bổ sung, tích hợp vào điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050. TP cũng hoàn thiện thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổng kinh phí để thực hiện chương trình mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là hơn 1.865 tỷ đồng và được phân bổ theo từng năm.

Khánh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.