Loạn giá, khan kit test nhanh Covid-19 và câu chuyện bình ổn giá

Người dân, đã mắc Covid-19, thiệt hại về sức khỏe, nhưng đi mua kit test và các thiết bị cần thiết khác thì phải chịu giá cao. Vậy mà câu chuyện đưa kit test nhanh và một số thiết bị, vật tư y tế cần thiết vào danh mục bình ổn giá vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu, xem xét.
Loạn giá, khan kit test nhanh Covid-19 và câu chuyện bình ổn giá
Mua kit test nhanh Covid-19 để tự kiểm tra là chi phí không hề nhỏ đối với mỗi gia đình

Rất nhiều văn bản yêu cầu quản lý, xử lý nghiêm

Theo ông Nguyễn Minh Lợi - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế cho biết, Vụ đã nắm được sự việc một số nơi tăng giá kit test xét nghiệm nhanh Covid-19 và các vật tư y tế khác. Vụ đã báo cáo lãnh đạo Bộ và sẽ sớm xử lý hiện tượng này.

Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp tăng cường công tác quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế trong phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ Y tế cũng đã đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế sớm nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit test xét nghiệm) vào diện bình ổn giá trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đã có các văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương mua sắm sinh phẩm xét nghiệm theo đúng quy định hiện hành và xử lý vi phạm nghiêm các hành vi lợi dụng đấu thầu, mua sắm để tham nhũng, hưởng lợi. Đối với quản lý giá các loại sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị công khai giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Bộ Y tế cũng đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm tăng nguồn cung kit test xét nghiệm. Theo đó, Bộ Y tế chủ động liên hệ hoặc thông qua kênh ngoại giao để họp, trao đổi, đàm phán trực tuyến với các nhà sản xuất kit test có uy tín trên thế giới để có thể mua lại với số lượng lớn và giá thấp nhất có thể.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị sản xuất, phân phối, nhập khẩu và kinh doanh kit test xét nghiệm thực hiện công khai giá, cập nhật giá để các đơn vị và người dân dễ dàng tra cứu. Bộ cũng đã và đang thực hiện tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra để phát hiện các trường hợp vi phạm, trục lợi ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, rất nhiều người dân vẫn phải mua kit test nhanh Covid-19 với giá cao vì đi cửa hàng nào cũng bảo giá nhập vào tăng rất nhiều, mua ở đâu cũng vậy. Và nếu không mua thì ngày mai, thậm chí đến chiều tối thôi là cũng hết hàng. Ngày mai ra mua giá có thể sẽ lên tiếp.

Trung bình mỗi que test nhanh Covid-19 có giá từ 50.000- 130.000 đồng. Các bác sỹ khuyên người dân không nên test hàng ngày, rất tốn kém không cần thiết: “Chúng ta chỉ cần test nhanh Covid-19 trong hai trường hợp: Thứ nhất là có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sổ mũi, đau họng, sốt…; thứ hai là khi có yếu tố dịch tễ rõ ràng, là khi chúng ta có tiếp xúc với F0”.

Nhưng thực sự có những người, những gia đình buộc phải test nhanh hàng ngày, bởi ngày nào đi học hay đi làm cũng nhận được tin vừa “va” phải F0 - tức là có yếu tố dịch tễ. Nếu không test thường xuyên thì không thể biết kịp thời mình đã mắc Covid-19 hay chưa để tự phòng bị cho bản thân và những người xung quanh. Thế là từ khi Covid-19 xuất hiện và gia tăng mạnh các ca F0, các gia đình phải gánh thêm khoản chi phí cho test nhanh hàng tháng với con số không hề nhỏ.

Tại Hà Nội, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trước việc giá một số thiết bị y tế (bộ test kháng nguyên Covid-19, máy đo nồng độ ô xy trong máu SpO2) tăng cao đột biến, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã yêu cầu các đội quản lý thị trường tăng cường nắm bắt thông tin theo lĩnh vực, địa bàn.

Tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, buôn bán khẩu trang, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch, hỗ trợ điều trị Covid-19 (gồm các bộ test nhanh kháng nguyên Covid-19, thiết bị đo nồng độ ô xy, các loại thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19...).

Đồng thời, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa, định giá mua bán bất hợp lý các mặt hàng là vật tư, trang thiết bị y tế; buôn bán thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19 chưa được phép lưu hành, sử dụng; chủ động, phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và cộng đồng trong phòng, chống dịch Covid-19.

Nhưng nếu việc công khai giá, cập nhật giá của các đơn vị sản xuất, phân phối, nhập khẩu và kinh doanh kit test xét nghiệm chưa được làm triệt để thì dĩ nhiên, người dân đi mua kit test với mức giá có yếu tố bị găm hàng, đầu cơ, thổi giá vẫn sẽ tiếp tục diễn ra. Mới đây nhất, trong Thông tư 02/2022/TT-BYT hướng dẫn giá xét nghiệm Covid-19 ban hành ngày 18-2, Bộ Y tế quy định với test nhanh mẫu đơn, mức thanh toán không quá 78.000 đồng/xét nghiệm. Trước đó, theo Thông tư 16/2021/TT-BYT mức thanh toán tối đa không quá 109.700 đồng/xét nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay, giá các loại kit test nhanh trên thị trường vẫn dao động từ 50.000-130.000 đồng/kit test.

Bao giờ kit test nhanh Covid-19 được đưa vào diện bình ổn giá?

Rất nhiều người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia y tế đã cho rằng, rất cần nên đưa đưa kit xét nghiệm Covid-19 vào diện được trợ giá, bình ổn giá

Câu chuyện bình ổn giá kit test xét nghiệm Covid-19 không phải tới giờ mới “nóng”. Từ tháng 10-2021, 14 hiệp hội của một số lĩnh vực, ngành hàng đã gửi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đưa kit xét nghiệm Covid-19 vào diện được trợ giá, bình ổn giá đồng thời đề nghị Chính phủ cho các tổ chức y tế được bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh.

Thời điểm đó, về đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết theo quy định tại Luật Giá năm 2012 và Nghị định số 177/2013/NĐ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, “sản phẩm test nhanh Covid-19” không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá.

Theo quy định pháp luật, sản phẩm test nhanh Covid-19 muốn điều chỉnh vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, phải do Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Cụ thể, nội dung Luật Giá quy định: “Hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống được quy định theo các tiêu chí nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và dịch vụ chính cho sản xuất và lưu thông đồng thời đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người”. Bên cạnh đó, luật cũng quy định các trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá do Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Loạn giá, khan kit test nhanh Covid-19 và câu chuyện bình ổn giá
Từ tháng 10-2021, 14 hiệp hội của một số lĩnh vực, ngành hàng đã gửi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đưa kit xét nghiệm Covid-19 vào diện được trợ giá, bình ổn giá

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính cho biết đã ghi nhận đề xuất của các hiệp hội doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Giá nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế (bộ quản lý ngành, lĩnh vực) nghiên cứu đánh giá làm rõ sự cần thiết.

Cụ thể, Bộ Y tế cần đánh giá kỹ về yêu cầu quản lý cũng như những tác động của mặt hàng này đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; yếu tố thị trường và cơ chế tổ chức thực hiện sau khi Bộ Y tế quản lý giá theo danh mục bình ổn giá. Theo đó, Bộ Y tế có văn bản đề xuất danh mục mặt hàng, đối tượng, biện pháp… bình ổn giá theo quy định pháp luật. Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với Bộ Y tế trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định theo thẩm quyền.

Như đã nhắc ở trên, ngày 23-2-2022, ông Nguyễn Minh Lợi - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế cũng đã đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế sớm nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit test xét nghiệm) vào diện bình ổn giá trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

Hi vọng, tiến trình của việc này sớm có kết quả, để người dân không phải vừa lo lắng về việc nhiễm bệnh vừa phải lo về kinh tế khi gánh quá nhiều chi phí cho kit test nhanh Covid-19.

Ngày 24-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ Y tế cho biết trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế (bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu SpO2....) tăng cao dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung, có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý.

Để sẵn sàng và đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn. Cụ thể:

Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế: Chủ động tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh, khả năng cung ứng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt đối với Bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 , máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu SpO2....

Đảm bảo bình ổn giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19, không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường.

Về phía các các cơ quan chức năng, quản lý thị trường, tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán các trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 bất hợp lý.

Kiểm tra, ngăn chặn các đơn vị thu mua, đầu cơ trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 để trục lợi, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Những ngày qua, có hiện tượng test xét nghiệm nhanh Covid-19 liên tục tăng giá và khan hiếm trên thị trường. Theo Bộ Y tế, thời gian qua có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý.

Hiện Bộ Y tế đã cấp phép 169 trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2, có 14 sản phẩm sản xuất trong nước và 155 sản phẩm nhập khẩu (gồm 56 sản phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền, 83 sản phẩm xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 và 30 sản phẩm xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2).

Xuân Thanh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.