Những "nhịp cầu" lan toả yêu thương tại lễ hội hiến máu lớn nhất cả nước

Vào dịp đầu Xuân hàng năm, có một lễ hội mà ở đó những người tham gia đều đến để trao tặng yêu thương, sẻ chia sự sống. Đó là lễ hội hiến máu mang tên: Lễ hội Xuân hồng. Trải qua 15 lần, tình yêu thương ấy cứ mãi được nhân rộng, nối dài bởi những người tình nguyện.
Những "nhịp cầu" lan toả yêu thương tại lễ hội hiến máu lớn nhất cả nước
Hai vợ chồng chị Tân-anh Quang vui mừng vì đã đủ điều kiện hiến máu sau nhiều lần không đạt (ảnh V.H)

Làm điều tốt không cần chờ "ngày tốt"

Thời điểm Lễ hội Xuân hồng mới được phát động, nhiều người còn e dè bởi cho rằng: Đầu năm đi hiến máu là cho đi "vận đỏ" của mình. Thế nhưng, trải qua nhiều kỳ Lễ hội, quan niệm ấy dần được thay đổi-thể hiện bằng số đơn vị máu thu được qua các kỳ lễ hội đã tăng.

Là một người tạo thói quen hiến máu vào đúng dịp đầu năm, chị Kim Chi, 53 tuổi, ở Hà Nội đã có nhiều lần tham gia hiến máu. Trong dịp Lễ hội Xuân hồng lần này, mặc dù trời mưa, rét nhưng chị vẫn hào hứng vượt qua quãng đường hơn 10 ki-lô-mét để đến điểm hiến máu tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. Chị chia sẻ, chị đọc nhiều thông tin thấy hiến máu mang lại sức khoẻ cho mình nên chị chọn dịp sau tết để đi hiến máu với mong muốn để chia sẻ giọt máu đào, cứu sống người bệnh.

"Tôi chọn dịp đầu Xuân để hiến máu với ý nghĩa đặc biệt là đầu năm làm gì đó có ích cho mọi người và tốt cho bản thân mình. Tôi nghĩ đã làm điều tốt thì bất kể thời điểm nào cũng là tốt cả, nhất là lúc mọi người kêu gọi hiến máu thì chắc chắn là đang cần chứ lúc không cần mà mình trao đi thì không ý nghĩa lắm", chị Chi bày tỏ.

Thấp thỏm đến kiểm tra máu rồi lại trở về 4 lần chưa hiến được vì không đủ điều kiện sức khoẻ, dịp Lễ hội Xuân hồng năm nay vợ chồng chị Mai Thị Tân và anh Phùng Xuân Quang ở Vân Canh, Hoài Đức đã có được niềm vui khi hiến máu thành công.

Bản thân anh, chị có con điều trị bệnh bạch cầu cấp ở Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã gần 2 năm nên chị thấu hiểu tình trạng người bệnh khi cần máu mà nguồn máu khan hiếm.

"Những lúc chứng kiến con thiếu máu, tiểu cầu mà không có máu để truyền tôi vô cùng lo lắng vì không biết giúp con bằng cách nào mà chỉ trông chờ vào sự hiến máu của mọi người. Lúc đó con suy kiệt sức khoẻ nên càng xót ruột. Vì thế với con tôi và các bệnh nhân khác thì máu có ý nghĩa vô cùng to lớn", chị Tân bày tỏ.

Từ những sự thấu hiểu đó nên chị nhiều lần đăng ký hiến máu và rất vui mừng khi đã có thể chia sẻ được những giọt máu của mình để giúp người bệnh đang cần. Chị tâm sự: Nay đủ điều kiện để hiến máu tôi thấy rất mừng vì đã hiến được. Đến đây thấy xúc động vì đông người tham gia. Tôi hi vọng tất cả các ngày trong tháng đều có đầy đủ người tình nguyện tham gia hiến máu để mọi người cần máu luôn có kho máu dồi dào.

Nghiện hiến máu sau lần đầu... hiến thử!

Có mặt tại Viện Huyết học-Truyền máu trung ương ngay từ buổi khai hội của Lễ hội Xuân hồng, anh Lâm, 44 tuổi ở Hà Nội tiết lộ: Cho đến nay anh đã tham gia hiến máu được 15 lần. Anh bén duyên với việc hiến máu tình nguyện thật tình cờ, khi đó anh định đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, chất lượng máu rồi hiến thử. Thế rồi trở thành "nghiện" lúc nào không biết. Hiện giờ anh duy trì đều đặn mỗi năm hiến máu 2 lần. Và hơn một năm trở lại đây, anh duy trì thói quen hiến máu định kỳ, tháng một lần hiến tiểu cầu. "Có lẽ động lực để tôi hiến máu đều đặn bởi thấy những cháu nhỏ bị bệnh cần máu thật đáng thương, hoặc cũng có thể do không khí ở nơi hiến máu khiến mình bị cuốn".

Còn đối với chàng trai Thái Anh Hải, 23 tuổi ở Hà Đông thì Lễ hội Xuân hồng năm 2022 chính là "lần đầu tiên" của em. "Em có đứa em đi hiến máu rủ đi, nhiều lần em muốn hiến nhưng vẫn thấy sợ. Lần này quyết tâm mãi em đã đến đây và mục đích để... lấy gấu bông về tặng cho bạn gái cho thật ý nghĩa. Lần đầu em hồi hộp và cũng run. Nhưng vượt qua được sợ hãi lần này em lại có động lực để lần sau mình lại đi tiếp".

Lễ hội Xuân hồng lần thứ 15 kéo dài 9 ngày diễn ra trong 9 ngày, từ ngày 12 đến ngày 20-2 tại 5 địa điểm. Sau khi kết thúc Lễ hội tiếp nhận được khoảng 7.000 đơn vị máu. Đây là những đơn vị máu vô cùng quý giá, kịp thời phục vụ điều trị cho người bệnh dịp sau Tết. Và lễ hội của lòng nhân ái trở nên ý nghĩa, được khắc học đậm nét thêm trên "bản đồ" lễ hội của Việt Nam, để mỗi dịp màu Xuân mọi người lại nô nức rủ nhau tham dự nhằm chia sẻ yêu thương, nối dài sự sống.

Những "nhịp cầu" lan toả yêu thương tại lễ hội hiến máu lớn nhất cả nước
Chàng trai Thái Anh Hải đã vượt qua sự sợ hãi, quyết tâm đi hiến máu để mang gấu về tặng người yêu (ảnh V.H)

Gần 300 cán bộ y tế tham gia hiến máu tình nguyện “Blouse trắng-Trái tim hồng”

Ngày 22-2, Bệnh viện K phối hợp cùng Viện Huyết học-truyền máu Trung ương tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện “Blouse trắng-Trái tim hồng”. Có gần 300 cán bộ y tế của bệnh viện đăng ký tham gia và khoảng 300 đơn vị máu thu được. Đây là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc được tổ chức thường niên trong 6 năm vừa qua tại bệnh viện.

TS-BS. Nguyễn Tiến Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện bày tỏ: gần 300 cán bộ bệnh viện tham gia Ngày hội hiến máu vì người bệnh là món quà ý nghĩa, nhân văn không chỉ thể hiện trách nhiệm mà còn là tình cảm, đồng hành, cùng sẻ chia với người bệnh. Một số đồng chí tình nguyện tham gia nhưng vì sức khỏe chưa đảm bảo, phải trở lại khoa làm việc, đó là hình ảnh khiến tôi rất xúc động. Tôi cho rằng chính những cánh tay xung phong, tình nguyện tham gia cũng đã là món quà tinh thần rất ý nghĩa.

Từng 20 lần tham gia hiến máu tình nguyện, ThS-BS.Nguyễn Thanh Tùng, khoa Xạ Tổng hợp Tân Triều chia sẻ: "Hiến máu dường như đã trở thành việc làm không thể thiếu của cá nhân tôi và nhiều anh chị em đồng nghiệp, đoàn viên thanh niên khác. Với sức trẻ và tinh thần mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ phần nào đó với người bệnh, chúng tôi tình nguyện hiến máu. Tôi hạnh phúc khi được làm điều này và mong muốn mọi người nếu có đủ điều kiện sức khỏe thì cùng tham gia để cứu người".

Vân Hà

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.