Chế tài nào cho những kẻ lừa đảo chiếm đoạt tiền từ thiện?

Làm nghề quảng cáo cho các trong facebook bán hàng online, Nguyễn Văn Phúc đã lập ra nhiều tài khoản để kêu gọi từ thiện, rồi chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng của các nhà hảo tâm. Với số tiền này, đối tượng có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất theo quy định tại Điều 174, BLHS năm 2015.
Nguyễn Văn Phúc tại CQCA
Nguyễn Văn Phúc tại CQCA

Chiếm đoạt tiền từ thiện để sử dụng vào mục đích cá nhân

CQCSĐT CATP Cần Thơ vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Phúc, 29 tuổi, trú tại tỉnh Kiên Giang để tiếp tục điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra ban đầu, Phúc làm nghề quảng cáo cho các trang facebook bán hàng online. Đầu năm 2019 đến tháng 4-2020, Phúc sử dụng tài khoản facebook tên “Nguyễn Minh Minh” đăng các bài viết trên MXH về các trường hợp người dân có hoàn cảnh khó khăn, các trường hợp bị bệnh tật, kêu gọi ủng hộ tiền từ thiện.

Sau khi tài khoản này bị khóa do vi phạm các chính sách của facebook, Phúc mua tài khoản facebook tên “Nguyễn Ngọc” để tiếp tục thực hiện hành vi này. Phúc để tài khoản tên “BAO CAN THO” để mọi người lầm tưởng đây là tài khoản ngân hàng của Báo Cần Thơ và chuyển tiền vào. Số tiền của những người bị hại sau khi chuyển vào các tài khoản ngân hàng, Phúc sử dụng App Internet Banking trên điện thoại để chuyển tiền qua nhiều tài khoản khác nhau, rồi rút tiền mặt chiếm đoạt.

Tại CQCA, Phúc khai nhận, từ đầu năm 2019 đến nay đã sử dụng tài khoản facebook đăng tải thông tin về các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật để kêu gọi người dân quyên góp, ủng hộ từ thiện, chiếm đoạt trên 3 tỷ đồng. Ngoài ra, Phúc còn làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với các loại giấy tờ như bằng cấp, chứng minh nhân dân, căn cước công dân...

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động từ thiện là rất nguy hiểm cho xã hội, hành vi không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân mà còn ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, làm suy giảm niềm tin của người dân vào lòng tốt và sự tử tế của con người.

Bởi vậy các đối tượng lừa đảo thông qua hoạt động kêu gọi từ thiện sẽ bị xử lý với chế tài nghiêm khắc. Với số tiền chiếm đoạt lên tới 3 tỷ đồng, đối tượng Nguyễn Văn Phúc có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt đến 20 năm tù hoặc tù chung thân theo Điều 174, BLHS năm 2015.

Luật sư Thái cũng cho biết, cùng với sự phát triển của xã hội, với các thiết bị thông minh có kết nối internet, các dịch vụ viễn thông, dịch vụ hàng trực tuyến phát triển, việc tiếp cận thông tin về những người có hoàn cảnh khó khăn và việc chuyển tiền để giúp đỡ, ủng hộ được thực hiện rất dễ dàng. Bởi vậy, có những trường hợp chiếm giữ số tiền đó mà cả người chuyển tiền và người nhận tiền đều không biết. Hay có những đối tượng gian manh hơn, giả mạo tài khoản, giả mạo thông tin để nhận tiền rồi chặn tài khoản, mất hút trên mạng xã hội...

Cần có chế tài nghiêm khắc

Theo luật sư Thái, tất cả các hành vi gian dối, đưa ra thông tin không đúng sự thật để chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2 triệu đồng trở lên đều là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sẽ bị xử lý hình sự. Còn đối với những trường hợp mặc dù ban đầu không gian dối nhưng sau khi nhận được tiền mới gian dối về việc đã trao tiền từ thiện hoặc gian dối về tài liệu thể hiện đã chuyển tiền từ thiện thì đây là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Hành vi này nếu chiếm đoạt từ 4 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 175, BLHS năm 2015 với chế tài cao nhất của tội danh này là 20 năm tù. Còn với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chế tài cao nhất là tù chung thân. Sự khác nhau giữa hành vi lừa đảo với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là yếu tố gian dối có trước hay có sau thời điểm nhận tiền.

Quay lại vụ việc lừa đảo của Nguyễn Văn Phúc, đối tượng đã có mục đích chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ cả tin từ trước nên đã đưa ra những thông tin gian dối về các trường hợp khó khăn, sau khi nhận được tiền đã chiếm đoạt số tiền đó nên hành vi này là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng này có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt theo khoản 4, Điều 174, BLHS là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

“Những vụ án như thế này không chỉ trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự mà còn tác động tiêu cực đến đạo đức, suy nghĩ của con người, khiến nhiều người mất niềm tin vào lòng tốt. Cơ quan chức năng cần phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các đối tượng lừa đảo để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo cho lòng tốt của con người được đặt đúng chỗ”, luật sư Thái nhấn mạnh.

Qua vụ việc trên, luật sư Thái kiến nghị, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn sử dụng MXH kêu gọi ủng hộ từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người dân cần thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin được đăng tải trên các trang MXH; yêu cầu người đăng tải công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ; liên hệ với chính quyền địa phương, BV nơi họ điều trị để kiểm chứng.

Các nhà hảo tâm nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể; quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lòng tin lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nếu phát hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua hoạt động từ thiện cần báo ngay cho CQCA để kịp thời xử lý.

TQ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.