Khi nào yêu cầu doanh nghiệp tạm nộp tối thiểu 75% thuế thu nhập được sửa đổi?

Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế 2019 có quy định: “Tổng số thuế thu nhập DN đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập DN phải nộp theo quyết toán năm” đang gây khó cho rất nhiều DN.
Bộ Tài chính đề xuất quy định tổng số thuế thu nhập DN, lợi nhuận sau thuế còn lại sau trích lập các quỹ tạm nộp của 4 quý không được thấp hơn 80% số tiền phải nộp theo quyết toán năm
Bộ Tài chính đề xuất quy định tổng số thuế thu nhập DN, lợi nhuận sau thuế còn lại sau trích lập các quỹ tạm nộp của 4 quý không được thấp hơn 80% số tiền phải nộp theo quyết toán năm

Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng cho phép sửa Nghị định 126/2020/NĐ-CP, trong đó có điều khoản tạm nộp 75% thuế thu nhập DN.

Trên thực tế, một số ngành nghề như: Bất động sản, thương mại, đầu tư... thường có doanh thu rơi vào cuối năm. Tuy nhiên, không thể dự báo trước doanh thu, lợi nhuận quý IV, do đó nếu nộp thuế trước thì thực sự khó khăn về dòng tiền của DN.

Được biết, Bộ Tài chính sẽ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ theo hình thức rút gọn, gửi các bộ, ngành tham gia ý kiến để trình Chính phủ ban hành.

Theo Bộ Tài chính, việc yêu cầu DN ước tính số thuế phải nộp cả năm trong khi còn 2 tháng mới kết thúc năm là chưa hợp lý và chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Cụ thể, theo điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020, DN phải thực hiện tạm nộp thuế thu nhập DN của 3 quý đầu năm tính thuế không thấp hơn 75% số thuế thu nhập DN phải nộp của cả năm theo quyết toán thuế năm. Trường hợp số thuế đã tạm nộp của 3 quý đầu năm thấp hơn 75% số thuế phải nộp của cả năm, DN sẽ bị tính tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu.

Thực hiện quy định này thì đến thời hạn tạm nộp thuế thu nhập DN của quý III, DN phải ước tính số thuế thu nhập DN phải nộp của cả năm làm cơ sở để xác định số thuế tạm nộp 3 quý đầu năm (nộp ngày 30-10 hàng năm đối với DN có năm tài chính trùng với năm dương lịch).

Theo Bộ Tài chính, việc yêu cầu DN ước số thuế phải nộp cả năm trong khi còn 2 tháng mới kết thúc năm là chưa hợp lý về mặt thời điểm nên chưa thực sự tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Vì vậy, cơ quan quản lý tài khóa cho rằng cần thiết phải sửa đổi quy định tạm nộp thuế thu nhập DN quý này. Đồng thời điều chỉnh tương ứng quy định về tạm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tạm nộp thuế thu nhập DN quý của hãng vận tải nước ngoài.

Để thay thế, Bộ Tài chính đề xuất quy định tổng số thuế thu nhập DN, lợi nhuận sau thuế còn lại sau trích lập các quỹ tạm nộp của 4 quý không được thấp hơn 80% số tiền phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp DN nộp thiếu thì phải tính tiền chậm nộp.

Nếu đề xuất này được thông qua, các DN sẽ không phải lo lắng về việc tính toán chính xác lợi nhuận quý IV và cả năm để làm cơ sở tính thuế thu nhập DN tạm nộp sau 3 quý kinh doanh đầu năm. Trước đó, quy định này từng khiến nhiều DN lo ngại về việc không tính đủ số thuế phải nộp theo quyết toán năm dẫn tới bị phạt chậm nộp.

Cũng tại dự thảo lần này, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) trong việc kê khai, nộp thuế và cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thuế.

Theo Nghị định 85/2021 về thương mại điện tử, chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam với người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch. Tuy nhiên, tại Nghị định 126/2020 chưa có quy định về trách nhiệm của chủ sàn giao dịch TMĐT trong việc kê khai thay, nộp thuế thay người bán. Vì vậy, Bộ Tài chính cho biết cần thiết phải bổ sung để có sự phù hợp và đồng nhất về hoạt động thương mại điện tử.

Bộ này bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT khi thực hiện tiêu thụ hàng hóa thông qua đặt hàng trực tuyến trên sàn của mình, thì chủ sàn phải đại diện cho người bán là cá nhân (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) để khai thuế, nộp thuế.

Đối với các sàn giao dịch TMĐT bán hàng không qua đặt hàng trực tuyến, chủ sở hữu sàn thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho người bán là cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo pháp luật dân sự giữa 2 bên. Ngoài ra, chủ sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm cung cấp những thông tin mà sàn có thể cung cấp để phục vụ công tác quản lý. Việc cung cấp thông tin được thực hiện theo hình thức tự động hoặc trực tuyến, với tần suất mỗi quý một lần.

Theo Nghị định 85/2021 về thương mại điện tử, chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam với người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch. Tuy nhiên, tại Nghị định 126/2020 chưa có quy định về trách nhiệm của chủ sàn giao dịch TMĐT trong việc kê khai thay, nộp thuế thay người bán. Vì vậy, Bộ Tài chính cho biết, cần thiết phải bổ sung để có sự phù hợp và đồng nhất về hoạt động thương mại điện tử.

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.