Đối tượng đập phá tài sản của Thượng tá cảnh sát có thể bị phạt tù

Luật sư cho rằng, việc xử lý nghiêm đối tượng đập phá xe ô tô của người khác sẽ là bài học đắt giá cho những đối tượng coi thường tài sản của người khác, gây mất an ninh trật tự xã hội.
Đối tượng Mai Hoàng Hưng và hiện trường vụ làm hư hỏng xe Thượng tá Công an.
Đối tượng Mai Hoàng Hưng và hiện trường vụ làm hư hỏng xe Thượng tá Công an.

CA TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cho tại ngoại đối với Mai Hoàng Hưng, SN 2002, trú tại xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho để điều tra về hành vi Cố ý làm hư hỏng tài sản.

Theo điều tra ban đầu, khoảng 2g ngày 22-1, thượng tá N.V.D, Trưởng một phòng thuộc CA tỉnh Tiền Giang, lái xe hiệu Lexus RX 350 trị giá khoảng 5 tỉ đồng đi từ hướng xã Mỹ Phong về đường huyện 89. Lúc này, Hưng đi bộ băng từ bên trái đường qua rồi bất ngờ chặn đầu xe và dùng chân đập vào phần đuôi xe của thượng tá D.

Thượng tá D tiếp tục chạy xe đến đường Lê Văn Nghề, thuộc xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho. Hưng dùng xe máy rượt đuổi theo xe của thượng tá D. Khi đến đường Lê Văn Nghề, Hưng dùng gạch ném vào phía sau xe của thượng tá D, làm hư hỏng tài sản với giá trị hơn 37 triệu đồng. Bước đầu làm việc với CQCA, Hưng khai nhận nguyên nhân vụ việc do đèn xe chiếu sáng làm chói mắt nên tức giận dùng gạch đập xe của thượng tá D.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay, đập phá tài sản của người khác là hành vi có thể gây hư hỏng tài sản, khiến tài sản không thể sử dụng bình thường hoặc mất giá trị sử dụng, không dùng được nữa. Do vậy, đập phá tài sản của người khác được xếp vào một trong những hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.

Trong quá trình tham gia giao thông, đôi khi chỉ vì những va chạm nhỏ, không kiểm soát được hành vi mà dẫn đến va chạm, đánh nhau. Thậm chí, nhiều cá nhân còn có hành vi huỷ hoại tài sản, làm hư hỏng tài sản của người khác. Hành vi vi phạm này đã xảy ra rất nhiều trong thời gian qua, tuy nhiên, không ít người vẫn vi phạm mà không hiểu rằng, đây là hành vi vi phạm pháp luật.

"Và vụ việc trên là một minh hoạ thực tế, xuất phát từ việc bị đèn xe rọi gây chói mắt, do không kiểm soát được sự tức giận bản năng mà Hưng thực hiện hành vi làm hư hỏng tài sản của Thượng tá cảnh sát. Hành vi như vậy cần phải xử lý bằng những chế tài nghiêm minh của pháp luật trong đó không loại trừ trách nhiệm hình sự", luật sư Thái phân tích.

Ngoài ra, theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, hành vi của Hưng thể hiện rõ yếu tố lỗi cố ý thông qua hành vi Hưng lái xe đuổi theo, sau đó dùng hạch ném vào phần đuôi xe ô tô, thiệt hại thực tế tạm xác định là 37 triệu đồng. Do vậy, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi đập phá tài sản của người khác có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.

“Ngoài việc phải đối mặt với hình phạt có thể lên đến 7 năm tù thì Hưng sẽ còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với các nạn nhân theo Điều 584, BLDS năm 2015. Thiệt hại cho nạn nhân trong vụ việc này bao gồm tiền chi phí sơn sửa lại xe, tiền thu nhập bị mất bị giảm suốt trong quá trình sẽ không sử dụng được và các chi phí khác phát sinh trong quá trình tố tụng”, luật sư Thái cho biết.

Theo khoản 1 Điều 178 BLHS 2015 thì người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Trường hợp thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên hoặc hành vi được xác định là "có tổ chức", có thể Hưng sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 2-7 năm tù theo quy định tại khoản 2, điều 178 BLHS năm 2015.

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.