Ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan mong muốn chiến lược sẽ được lan tỏa vào tâm thức của mỗi lãnh đạo, người dân trong xã hội; định vị đúng vai trò, vị trí, sứ mệnh của nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất

Ngành nông nghiệp sẽ hướng đến nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ…

Con người là yếu tố quan trọng để đưa chiến lược vào cuộc sống

Ngày 17-2, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức buổi họp báo công bố Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, đây là lần đầu ngành nông nghiệp có chiến lược chung. Sau khi chiến lược được phê duyệt, lãnh đạo Bộ đã họp với các đơn vị trực thuộc để bàn giải pháp thực hiện.

Cùng với nguồn lực về tiền bạc thì con người cũng là yếu tố quan trọng để đưa chiến lược vào cuộc sống. Phải xây dựng kế hoạch cụ thể và thay đổi về mặt tư duy từng cán bộ quản lý, nhà khoa học, người nông dân, DN....

Nếu như các bộ, ngành liên quan và các địa phương không vào cuộc thì chiến lược cũng chỉ “nằm trên giấy”, bởi chiến lược liên quan đến rất nhiều bộ, ngành, đặc biệt là các cơ chế chính sách về đất đai, vốn, lao động…

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nếu tiếp cận bằng tư duy kinh tế nông nghiệp sẽ cho giá bán khác. Lâu nay, các ngành chức năng mới chỉ hướng dẫn nông dân sản xuất, chứ chưa dạy nông dân làm giàu, nghĩa là dạy cách bán nông sản, bán niềm tin cho khách hàng.

“Câu chuyện được mùa được giá, được mùa mất giá không phải của riêng ai, người nông dân hoảng loạn, bán đổ bán tháo nhưng cũng có những người cùng một trái xoài ấy, đưa lên kệ, đóng gói bao bì đẹp đã cho mức giá khác. Nông dân chỉ có thể làm giàu bằng tư duy kinh tế nông nghiệp”. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Do vậy, chiến lược đưa ra nền tảng từ tổ chức lại sản xuất để phát triển nông nghiệp, nông thôn hay cơ cấu lại nông nghiệp bắt đầu việc tổ chức lai sản xuất. Ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ hướng đến nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người…

Chính sách về sử dụng đất đai cần được sửa đổi

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, ngành trồng trọt không có quy hoạch ngành mà theo quy hoạch của các địa phương. Để tạo vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất lớn rất cần vai trò của các tỉnh, TP. Các tỉnh, TP khi xây dựng quy hoạch chung của tỉnh cần xác định rõ quy hoạch về sản xuất nông nghiệp.

Việc xác định xây dựng vùng sản xuất tập trung sẽ định hướng dài hơi hơn về đầu tư: logistics, hạ tầng... Từ các vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn của các nông sản chủ lực phát triển hợp tác xã, giảm các khâu trung gian, tăng cường liên kết với các DN chế biến, thương mại lớn để hình thành chuỗi giá trị.

Theo ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, để đạt được các mục tiêu trên, có rất nhiều việc phải làm. Trong đó, các chính sách về sử dụng đất đai sẽ cần được sửa đổi linh hoạt, phát triển thị trường giao dịch, thúc đẩy tập trung đất đai. phát triển tín dụng chính thức cho hộ DN, hợp tác xã; tín dụng theo chuỗi. Hạ tầng sẽ được đầu tư cơ bản cho vùng sâu vùng xa.

Cụ thể, trong Chiến lược cũng đã đề cập đến 10 nhóm giải pháp chính. Điển hình như: Hạ tầng thương mại như: Xây dựng hệ thống chợ, trung tâm đầu mối; việc phát triển hạ tầng thủy lợi phải đảm bảo đa mục tiêu, cho thủy sản, lâm nghiệp; hạ tầng logistics: Cầu cảng, trung tâm kết nối vùng, giao thông kết nối vùng chuyên canh... để phát triển nông nghiệp hiện đại, năng suất, bền vững, có trách nhiệm.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 biến đổi lớn, đó là biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường và xu thế của thế giới. Đặc biệt, với thị trường xuất khẩu, ngành chủ động phát huy cơ hội của các hiệp định thương mại tự do để giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường.

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp đạt bình quân từ 2,5% đến 3%/năm, thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 đến 3 lần so với năm 2020. Đến năm 2050, Việt Nam phấn trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.