Người làm hòa giải phải công bằng thì các bên mâu thuẫn mới tin và nghe

Ông Nguyễn Thế Minh, Chủ tịch UBND xã Vân Canh, người có khoảng 10 năm chủ trì hội nghị hòa giải ở cơ sở cho biết, là người cầm cân nảy mực nên lúc nào cũng phải công khai, dân chủ, công bằng thì các bên mâu thuẫn mới tin và nghe.
Ông Nguyễn Thế Minh, Chủ tịch UBND xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội
Ông Nguyễn Thế Minh, Chủ tịch UBND xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Minh, Chủ tịch UBND xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, trong 10 năm qua, ông cùng các cán bộ chuyên môn và lãnh đạo thôn, xóm, thành viên tổ hòa giải đã giải quyết nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trên địa bàn, công tác hòa giải cơ sở ở xã làm rất tốt.

Ông Minh cho biết thêm, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển, đô thị hóa các địa bàn nông thôn nên lượng dân cơ học ở xã Vân Canh tăng rất nhanh do nhiều người dân ở địa phương khác về địa bàn mua đất, xây nhà, sinh sống. Cũng vì thế nên phát sinh nhiều vụ việc liên quan mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, thừa kế, ly hôn,...

Từ những mâu thuẫn, tranh chấp của người dân, chính quyền địa phương đã chia làm 2 vấn đề. Nếu các vấn đề liên quan đến mâu thuẫn trong khu dân cư, va chạm, ly hôn, không liên quan đến trật tự xây dựng, đất đai thì chính quyền địa phương sẽ giao cho tổ hòa giải ở thôn, xóm làm công tác vận động, tuyên truyền hòa giải.

Nếu các vấn đề mâu thuẫn liên quan đến tranh chấp đất đai, trật tự xây dựng thì sau khi tiếp nhận đơn của người dân, xã giao cho cán bộ chuyên môn như địa chính, xây dựng để tập hợp hồ sơ trong quá trình quản lý, lưu trữ tại xã để xác minh đơn công dân phản ánh. Sau đó, xã sẽ mời công dân có đơn thư phản ánh lên xã làm việc để thu thập thêm hồ sơ, tài liệu cũng như nghe nguyên đơn trình bày quan điểm. Tiếp đó, xã sẽ mời bị đơn lên làm việc để nghe bị đơn trình bày quan điểm cũng như các giấy tờ kèm theo.

Sau khi xác minh hai bên, xã sẽ họp tổ công tác để cùng xem xét, nhận định, đánh giá tình hình, góc độ của đơn thư và chính kiến của các bên. Từ đó đưa ra phương hướng làm việc và lãnh đạo xã giao cho cán bộ tư pháp hoặc địa chính tham mưu cho UBND xã ra quyết định thành lập hội đồng hòa giải. Khi đã có quyết định thành lập hội đồng hòa giải và thành phần tham gia, xã sẽ mời cả hai bên đến hòa giải.

Trong hội nghị hòa giải có lãnh đạo UBND xã, các ban ngành, đoàn thể của xã, lãnh đạo thôn và các ông bà ở tổ hòa giải cũng như các bên mâu thuẫn. Tại hội nghị, cán bộ chuyên môn sẽ phân tích những cái đúng, những cái sai của các bên. Sau đó, hội nghị sẽ nghe các bên trình bày thêm và hội nghị tiếp tục lấy ý kiến của các ban ngành đoàn thể để phân tích tiếp. Sau khi phân tích các chứng lý, hồ sơ lưu trữ ở UBND xã cũng như xác minh giữa các bên thì các số liệu đã được đảm bảo chắc chắn, thông tin đưa ra rõ ràng nên rất nhiều hộ gia đình sau khi có đơn tranh chấp và tham gia hội nghị hòa giải đã đạt 80-90% hòa giải thành.

“Trong 10 năm qua, tôi thường xuyên chủ trì hội nghị hòa giải ở cơ sở. Tôi luôn quan niệm, mình ở vị trí là người cầm cân nảy mực ở địa phương nên công việc lúc nào cũng phải công khai, dân chủ, công bằng với mọi người, giải quyết công việc phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và hướng người dân đến góc độ tình cảm, đoàn kết trong từng khu dân cư, trong xã, đảm bảo tình hình an ninh trật tự chính trị trên địa bàn xã”, ông Minh chia sẻ.

Ông Nguyễn Thế Minh, Chủ tịch UBND xã Vân Canh cho biết, trong thời gian vừa qua, xã Vân Canh trong quá trình đô thị hóa đã phát sinh nhiều tranh chấp, mâu thuẫn liên quan đến đất đai, xây dựng nhưng với đội ngũ chuyên môn phần lớn là người địa phương cùng với uy tín, trách nhiệm của các bác ở thôn, xóm, tổ hòa giải nên các công việc về hòa giải của xã cơ bản hoàn thành tốt.

Công Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.