Tìm hướng đi cho đàn hổ tại Thanh Hóa

Đàn hổ 11 con được nuôi nhốt trong khu chuồng chật hẹp, thiếu người chăm sóc, giấy phép nuôi sinh trưởng, sinh sản đã hết hạn vào giữa năm 2017. Tuy nhiên không được cấp phép lại do vướng các quy định pháp luật nhưng cũng chưa có căn cứ để tịch thu số hổ trên…
Những chú hổ ở đây đã đến độ trưởng thành, có khối lượng gần 200kg/con
Những chú hổ ở đây đã đến độ trưởng thành, có khối lượng gần 200kg/con

Đàn hổ gồm 4 con đực và 7 con cái được gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến, 52 tuổi, nuôi nhốt biệt lập ở khu trang trại rộng 4.000m2, ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá trong suốt 15 năm qua. Ban đầu, trại hổ đặt trong khu chuồng nhỏ ở xóm 27 xã Xuân Tín, gây nguy hiểm cho khu dân cư xung quanh, mất vệ sinh và ô nhiễm tiếng ồn do hổ thường gầm rú mỗi khi đến kỳ động dục. Gia đình ông Chiến sau đó thuê đất ở cánh đồng Cồn Tàu Voi, cách vị trí cũ khoảng 2,5 km.

Trại nuôi được thiết kế nhiều hạng mục như nhà trú mưa nắng, nơi ăn uống, phòng thú y, phòng sinh sản, hành lang, sân chơi... Chuồng nuôi được xây tường bao quanh, bên trên lắp lưới thép B40, cao 4,5 m và có ba lớp cửa kiên cố. Xung quanh được chủ trại lắp camera để theo dõi, chỉ khi cho hổ ăn hay vệ sinh chuồng trại hoặc có cơ quan chức năng đến kiểm tra thì ông Trịnh Đình Bạch, 62 tuổi, mới mở cổng cho vào.

Một mình ông Bạch trông coi trại hổ, hàng ngày làm vệ sinh chuồng trại, kiểm tra an toàn lưới rào. Buổi trưa ông bơm nước uống, cuối giờ chiều chia thức ăn cho vật nuôi. Khẩu phần ăn của đàn hổ khác nhau giữa mùa đông và mùa hè, song chủ yếu là đầu gà cấp đông. Thi thoảng đàn hổ được được bổ sung cho ăn thịt bò hoặc thịt lợn loại 2, loại 3. Mùa lạnh, đàn hổ ăn khoảng 95-100kg thịt một ngày, còn thời tiết nóng chỉ ăn hơn nửa số đó.

Do hổ ăn nhiều, chi phí nuôi tốn kém nên đại diện gia đình ông Chiến cho biết "đến giờ thực sự đã mệt mỏi, kiệt quệ". Gia đình mong muốn được nhà nước hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động hoặc có phương án chuyển đàn hổ đến nơi phù hợp.

Từ năm 2018 đến nay, gia đình ông Chiến được vận động và nhiều lần làm đơn tự nguyện chuyển giao đàn hổ cho các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã hoặc tổ chức phù hợp, song chưa thực hiện được vì vướng mắc phần kinh phí bồi hoàn. Các trung tâm cứu hộ sẵn sàng tiếp nhận số hổ, song không chấp nhận chi tiền công chăm nuôi gần 15 năm qua theo đề xuất của chủ trại.

Ông Lê Văn Hài, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Thọ Xuân cho biết: Đã có nhiều đoàn về làm việc nhưng vẫn chưa tìm được hướng đi do vướng nhiều quy định pháp luật. Chức năng của địa phương là theo dõi, quản lý, giám sát. Định kỳ 3 tháng một lần, lực lượng liên ngành kiểm tra trại hổ một lần, còn kiểm lâm viên phụ trách địa bàn thì hàng tuần phải đến nắm số lượng, kiểm tra mức độ an toàn chuồng trại hoặc môi trường sinh thái.

"Chúng tôi đề nghị nếu có cơ sở nào đủ điều kiện nên sớm chuyển giao, còn nếu để gia đình nuôi thì phải gia cố, xây dựng chuồng trại đảm bảo an toàn. Hiện lực lượng kiểm lâm rất vất vả để bảo vệ trại hổ", ông Hài chia sẻ.

Một số hình ảnh về vụ việc:

ông Trịnh Đình Bạch, 62 tuổi là người được gia đình ông Chiến thuê quản lý và trông coi trại hổ này
Ông Trịnh Đình Bạch, 62 tuổi, là người được gia đình ông Chiến thuê quản lý và trông coi trại hổ này
chỉ khi cho hổ ăn hay vệ sinh chuồng trại hoặc có cơ quan chức năng đến kiểm tra thì ông Trịnh Đình Bạch, 62 tuổi, mới mở cổng cho vào
Chỉ khi cho hổ ăn hay vệ sinh chuồng trại hoặc có cơ quan chức năng đến kiểm tra thì ông Trịnh Đình Bạch mới mở cổng cho vào
Thức ăn cho Hổ được ông Chiến mua từ Hà Nội gửi về
Thức ăn cho hổ được ông Chiến mua từ Hà Nội gửi về.“Đàn hổ nếu được cho ăn đầy đủ, đúng bữa thì không sao. Nhưng nếu bị bỏ đói sẽ gầm rú và quấy phá”, ông Bạch chia sẻ.
Theo ông Bạch, thức ăn của Hổ đều được kiểm tra và dán tem kiểm định
Theo ông Bạch, đàn hổ có cả đực và cái trưởng thành, song do nuôi nhốt trong khu chuồng chật hẹp lâu năm, thức ăn thiếu dinh dưỡng nên không thể sinh sản. Hiện sức khỏe đàn hổ là ổn định, tuy nhiên do chuồng hẹp, hổ đực thường tấn công nhau để giành bạn tình, nhất là vào kỳ động dục.
Khi được cho ăn uống đầy đủ đàn hổ sẽ không quấy phá
Khi được cho ăn uống đầy đủ đàn hổ sẽ không quấy phá

Huy Hoàng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.