Ngành Tư pháp góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô

Bám sát Chương trình công tác năm của Bộ Tư pháp và TP, công tác tư pháp năm 2021 của Hà Nội đã được triển khai thống nhất, đồng bộ trên các lĩnh vực công tác, hoàn thành những nhiệm vụ đã đề ra, góp phần cùng các ngành, các cấp nỗ lực thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH của Thủ đô.
-	Điểm cầu Hà Nội tham dự Hội nghị trực tuyến công tác Tư pháp năm 2022
Điểm cầu Hà Nội tham dự Hội nghị trực tuyến công tác Tư pháp năm 2022

Những kết quả đạt được

Trong năm qua, công tác Tư pháp của TP được xây dựng, triển khai bám sát Chương trình công tác năm 2021 của Bộ Tư pháp và TP; được các cấp, ngành TP chủ động triển khai, toàn diện, đúng trọng tâm các nhiệm vụ được giao, gắn kết chặt chẽ với các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, nhiệm vụ chính trị của TP, đạt được những kết quả nổi bật.

Trong đó, tổng kết thi hành Luật Thủ đô và nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); lập hồ sơ đề nghị và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo quy định; Chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đoàn Luật sư TP khóa X, nhiệm kỳ 2020-2025.

Xây dựng, triển khai các đề án: Đề án thực hiện thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế trên địa bàn TP; Đề án liên thông thủ tục hành chính đăng ký nuôi con nuôi trong nước – cấp phiếu lý lịch tư pháp và Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội.

Công tác PBGDPL tiếp tục được triển khai đồng bộ, rộng khắp, trong đó tập trung tuyên truyền có hiệu quả pháp luật về bầu cử và pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Công tác cải cách tư pháp, việc hỗ trợ các cơ quan tư pháp, quản lý Nhà nước lĩnh vực bổ trợ tư pháp luôn được quan tâm thực hiện; Công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực bổ trợ tư pháp được đẩy mạnh, phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm.

Kết quả công tác Tư pháp đã đóng góp hiệu quả vào hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền TP, góp phần tích cực trong xây dựng và phát triển mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô.

Khó khăn, vướng mắc và những giải pháp

Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những khó khăn hạn chế trong thực hiện các quy định mới của Luật ban hành văn bản QPPL sửa đổi bổ sung năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết của một số Sở, ngành còn lúng túng; Việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản QPPL của TP còn chậm; Việc phối hợp giữa các Sở, ngành trong xây dựng văn bản QPPL do UBND TP giao có lúc còn chưa đảm bảo về tiến độ, chất lượng.

Một số địa phương chậm đổi mới nội dung, hình thức, ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL; Tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật truyền thống.

Hoạt động hành nghề bổ trợ tư pháp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, doanh thu, việc nộp thuế suy giảm đáng kể. Việc chấp hành pháp luật, tình hình khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực: luật sư, công chức, đấu giá tài sản, thừa phát lại còn phát sinh, tiềm ẩn vấn đề phức tạp.

Các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động hành nghề bổ trợ tư pháp còn chưa đầy đủ, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước.

Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác văn bản tại các Sở, ban, ngành TP mặc dù đã được tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, nhưng do công tác còn kiêm nhiệm, vị trí công tác hay thay đổi do vậy, công tác tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan trong công tác xây dựng và kiểm tra văn bản thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước đôi khi vẫn còn hạn chế.

Quy trình thủ tục lĩnh vực LLTP còn chậm được cải tiến, còn gây nhiều khó khăn cho cả cơ quan Nhà nước và người dân. Quy định về thời hạn giải quyết việc xóa án tích được Bộ Tư pháp công bố theo TTHC LLTP như hiện nay có mâu thuẫn giữa Luật và các văn bản hướng dẫn, không đủ thời gian giải quyết, gây khó khăn cho Sở Tư pháp; Cần thiết phải quy định xóa án tích là TTHC riêng biệt, có thời gian giải quyết phù hợp.

Để ngành Tư pháp đạt hiệu quả tốt hơn nữa, năm 2022 Hà Nội tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Thành ủy; trong đó chú trọng bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH;

Chú trọng thực hiện tốt công tác giải quyết TTHC, phục vụ công dân, triển khai hiệu quả công tác PBGDPL, trợ giúp pháp lý, thực hiện nghiêm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, qua đó giúp người dân tin tưởng, đồng thuận với các hoạt động, công tác quản lý điều hành của các cơ quan Nhà nước.

Kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Ngành tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW Trung ương 6 khóa XII, các quy định mới của Chính phủ, Bộ Tư pháp và chỉ đạo của TP; xây dựng cơ chế huy động và tận dụng mọi nguồn lực ngoài ngành để tham gia vào công tác Tư pháp năm 2022 và những năm tiếp theo.

Đẩy mạnh CCHC, ứng dụng CNTT nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo điều hành, chất lượng công tác trên các lĩnh vực; tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy trình công việc, chuẩn hóa, đơn giản hóa các TTHC; xây dựng, nâng cao tỷ lệ Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; xây dựng CSDL trong các lĩnh vực công tác của Ngành.

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.