Đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô:

Tạo điều kiện để Hà Nội đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội

Dự án đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô nhằm mục tiêu tạo tiền đề để các TP và các tỉnh phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị và nông thôn khu vực hai bên tuyến đường nói riêng và Vùng Thủ đô, tạo không gian phát triển quỹ đất, tạo nguồn lực đầu tư phát triển.
Vành đai 4 là tuyến đường liên vùng phục vụ kết nối giao thông và đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết Hà Nội với các tỉnh thuộc vùng Thủ đô
Vành đai 4 là tuyến đường liên vùng phục vụ kết nối giao thông và đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết Hà Nội với các tỉnh thuộc vùng Thủ đô

Tạo không gian phát triển quỹ đất

Tháng 9-2021, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội về chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường này. Chủ trương triển khai dự án là những nội dung lớn, là cơ sở, tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, phát triển đô thị cũng như đời sống nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

Vào đầu tháng 1-2022, UBND TP Hà Nội đã có tờ trình số 02/TTr - UBND kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội. Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long), đi qua địa phận TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Dự án được chia thành 3 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức hỗn hợp đầu tư công và đầu tư PPP gồm: Dự án thành phần 1 - GPMB (theo quy mô quy hoạch bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường 2 bên, hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia có tổng mức đầu tư 24.242 tỷ đồng, dự kiến đầu tư bằng vốn đầu tư công; Dự án thành phần 2 – công tác xây dựng đường 2 bên, tổng mức đầu tư 9.399 tỷ đồng, dự kiến đầu tư vốn đầu tư công; Dự án thành phần 3 – đầu tư hệ thống đường cao tốc theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, có tổng mức đầu tư 61.784 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội theo quy hoạch sẽ gồm cao tốc chính tuyến quy mô 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên, các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ cho đường sắt vành đai. Tổng chiều rộng mặt cắt ngang đoạn thông thường là 120 m, đoạn đi ra ngoài đê sông Đáy hiện hữu có tổng chiều rộng mặt cắt ngang 135 m; một số vị trí đặc biệt đi qua khu đô thị, khu công nghiệp khó khăn về mặt bằng có thể thu hẹp phần dải dự trữ.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Tp Hà Nội cho biết, hệ thống đường 2 bên cũng cần được đầu tư đồng bộ để đảm bảo tính khả thi và tiến độ triển khai dự án (hoàn thành vào năm 2028), UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội cơ chế cho phép sử dụng ngân sách của một địa phương chi cho một địa phương khác.

Tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng

Theo UBND TP Hà Nội, tuyến đường vành đai 3 cơ bản hoàn thành nhưng đã thực sự quá tải. Nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh từ các tỉnh phía Nam đi các tỉnh phía bắc cũng như các tỉnh phía tây và ngược lại, quá cảnh qua Hà Nội hiện nay chủ yếu thông qua tuyến vành đai 3. Các cửa ngõ giao thông, đầu mối giao thông ra vào TP; các nút giao giữa các trục hướng tâm với đường vành đai 3 hiện nay thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông mà điển hình là khu vực cửa ngõ phía nam TP. Vì vậy, Hà Nội xác định việc đầu tư tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô tại thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết và cần tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện.

Đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô trong giai đoạn hiện nay không chỉ khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô cũng như Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ mà còn giúp Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh... từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch; tạo điều kiện để Hà Nội và các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội cả khu vực đô thị và nông thôn, thu hút đầu tư phát triển mạnh mẽ.

Nêu chủ trương về dự án này tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP. Hà Nội khoá XVI (ngày 22-9-2021), Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, chủ trương triển khai dự án là những nội dung lớn, là cơ sở, tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, phát triển đô thị cũng như đời sống nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

Tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh, TP trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội là 95.425 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 32.691 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 30.340 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư là 29.291 tỷ đồng (bằng 50% tổng mức đầu tư dự án thành phần PPP, bằng 31% tổng mức đầu tư dự án tổng thể); lãi vay là 3.003 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2028.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.