Xử lý ra sao với một loạt mặt hàng, quán ăn tự phát trong và sau Tết ?

Trong và sau Tết nhiều mặt hàng tăng giá, không ít cửa hàng xăng dầu treo biển đóng cửa vì hết xăng, thậm chí giá vé máy bay của nhiều hãng hàng không cũng tăng chóng mặt. Câu hỏi đặt ra ở đây, các chế tài xử lý hành vi tự ý nâng giá, găm hàng… đã có nhưng vì sao cứ sau Tết vẫn xảy ra tình trạng giá nhiều mặt hàng tự ý tăng?
Một cửa hàng xăng dầu tại xã Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang thông báo hết xăng                                                                                 Ảnh: QLTTTG
Một cửa hàng xăng dầu tại xã Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang thông báo hết xăng. Ảnh: QLTTTG

Đắng miệng bát bún giá “trên trời”

Trong Tết cộng đồng mạng không khỏi xôn xao khi một thành viên đăng trên một diễn đàn câu chuyện mình bỏ 100.000 đồng cho một bát bún ốc sườn tại cửa hàng số 57, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thành viên này tả bát bún ốc chỉ lèo tèo vài miếng ốc, dọc mùng, giò sụn, mọc, còn chủ quán đã thu tiền trước khi khách vào ăn. Số tiền khách bỏ ra quá đắt để nhận lại sản phẩm không đúng giá trị.

Sau đó, chủ nhân thực sự của quán lên tiếng thanh minh, quán bún của mình có treo biển nghỉ từ ngày 28-12 cho đến ngày 6-1 (ÂL). Thời điểm quán nghỉ, một hộ dân trong ngõ đã tận dụng mặt bằng là khoảng sân trước quán để bán mặt hàng tương tự.

Tình trạng hàng loạt quán ăn tự phát như phở, bún… xuất hiện trong Tết khá nhiều, như một quy luật diễn ra hết năm này đến năm khác. Những quán này đánh vào tâm lý khách hàng đã ngán các đồ ăn tại nhà và thèm các món ăn có tính trung hòa như bún, miến, phở để tăng giá, trong khi đó chất lượng thực phẩm gần như bị bỏ ngỏ.

Tương tự, giá vé máy bay những ngày đầu năm từ Hà Nội đi TP HCM có mức từ 7 đến gần 9 triệu đồng/lượt, giờ đẹp giá còn cao hơn khiến nhiều hành khách đi máy không khỏi phân vân, nhiều người phải đổi lịch bay. Chẳng hạn, trước Tết vé hãng hàng không Vietjet, chặng TP HCM - Hà Nội cho gia đình 4 người là 16 triệu đồng thì sau Tết giá vé đã tăng lên gần 2,5 lần.

Ghi nhận trên trang bán vé máy bay trực tuyến Abay, toàn bộ các chuyến bay của Vietjet, Pacific Airlines, Vietravel Airlines bay chặng Hà Nội – TP HCM đều đã hết vé. Trong ngày 6-2, chỉ còn Vietnam Airlines và Bamboo Aways có mức gần 9 triệu đồng. Giá vé chặng bay Đà Nẵng – TP HCM của Vietnam Airlines còn chỗ trống giá vé gần 5 triệu đồng/lượt.

Một số cơ sở kinh doanh xăng, dầu có dấu hiệu găm hàng

Không chỉ ăn uống, hàng không, tại một số tỉnh miền Tây hàng loạt cơ sở kinh doanh xăng, dầu đồng loạt đóng cửa, treo biển báo không còn xăng bán. Báo cáo tới Tổng cục quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang thống kê một số trường hợp đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trên địa bàn huyện Thoại Sơn, huyện Phú Tân, huyện Châu Thành và huyện Châu Phú, huyện An Phú. Nguyên nhân tạm ngưng hoạt động là do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời (thuộc hệ thống PVoil).

TheoThứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết nguồn cung xăng dầu trong nước hiện nay đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường, còn lại 25% là nhập khẩu. Tuy nhiên vừa qua, một số nơi có hiện tượng cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung.

Để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định đồng thời giám sát chặt chẽ các cửa hàng xăng dầu đã bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

Kịp thời kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép theo quy định đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ các đơn vị đã bị thu hồi giấy phép.

Chế tài nào cho các hành vi đầu cơ, găm hàng…?

Theo luật sư Bùi Quang Thu, để đảm bảo cân đối các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 12-5-2021 về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.

Trước đó, ngày 26-8-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đầu cơ hàng hóa, găm hàng trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đối với hành vi đầu cơ hàng hóa: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức khi có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính…

Hành vi đầu cơ hàng hóa thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đầu cơ theo Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Đối với hành vi găm hàng, ngoài bị phạt tiền thì tùy trường hợp, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Hành vi tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý thì việc xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24-9-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí và hoá đơn (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 49/2016/NĐ-CP ngày 27-5-2016 của Chính phủ).

Ngoài bị phạt tiền thì các hành vi tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý cũng bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm hành chính.

Cũng theo luật sư Bùi Quang Thu, việc mở quán ăn phải tuân thủ các quy định về kinh doanh, chứng nhận an toàn thực phẩm của cơ quan quản lý. Vì vậy, hành vi bán hàng tự phát, nâng giá không theo một quy luật nào đều bị xử phạt hành chính. Nếu để xảy ra hậu quả liên quan đến tính mạng khách hàng có thể bị xử lý về mặt hình sự.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, xăng dầu là mặt hàng dự trữ chiến lược đặc biệt quan trọng, do đó phải được quản lý, điều hành chặt chẽ. Hiện nay, dự trữ xăng dầu trong nước đủ lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam có đầy đủ quy định pháp luật, cơ chế, chính sách để bình ổn, đáp ứng đủ xăng dầu cho tiêu dùng và sản xuất.

Chính phủ đã giao Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu. Bộ Công Thương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi "găm hàng" nhằm trục lợi.

Gia Bảo

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.