Háo hức cảm xúc trong dịp "tựu trường" đặc biệt

Bắt đầu từ ngày 7-2, học sinh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước được đến trường dự những tiết học trực tiếp trong trạng thái thích ứng linh hoạt, an toàn. Đây sẽ là buổi "tựu trường" đặc biệt, mang nhiều cảm xúc-nhất là với học sinh các khối đầu cấp sẽ chộn rộn khi lần đầu tiên được đến ngôi trường với thầy cô, bạn bè mới.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc chuẩn bị các điều kiện để mở cửa trường học trở lại; trên cơ sở thống nhất với Bộ Y tế về đánh giá kết quả phòng, chống dịch, ngày 24-1, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.

Theo đó, để bảo đảm sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ mầm non, học sinh, học viên, sinh viên cán bộ, nhà giáo và chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình dịch tại địa phương (tính đến địa bàn cấp xã/phường) chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên trước ngày 14-2-2022.

Đến ngày 3-2, có 100% các trường ĐH, CĐ trên cả nước đã lên kế hoạch cho sinh viên, học viên đi học trở lại trong tháng 2. Đồng thời, 63/63 tỉnh, TP đã lên kế hoạch đưa học sinh THCS, THPT đi học trực tiếp bắt đầu trong khoảng thời gian từ ngày 7-2 đến 14-2; 60/63 tỉnh, TP đã lên kế hoạch đưa học sinh bậc mầm non, tiểu học quay trở lại trường học trực tiếp trong tháng 2.

Để đi đến quyết định cho học sinh, sinh viên đi học trực tiếp các địa phương đều căn cứ vào kết quả phòng chống dịch với những cơ sở đầy đủ gồm: Tỷ lệ tiêm vắc-xin cho người dân, học sinh, sinh viên; nhận thức, kiến thức và kinh nghiệm về phòng, chống dịch trong Nhân dân; khả năng điều trị của hệ thống y tế... Đồng thời, các cơ sở giáo dục, giáo viên cũng được tập huấn nhiều tình huống chống dịch cụ thể nên khả năng xử lý khi có ca F0, F1 sẽ thuần thục, đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, từ thực tế gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp; trên 70.000 sinh viên không thể ra trường ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đào tạo; ảnh hưởng tới tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em, học sinh, sinh viên cho thấy đã đến lúc không thể trì hoãn việc dạy trực tiếp.

Việc nhiều địa phương quyết định dạy và học trực tiếp khiến nhiều học sinh vui mừng bởi sau thời gian dài đã thể được đến trường gặp thầy cô, bè bạn. Nhưng cũng có những phụ huynh băn khoăn bởi sau dịp Tết Nguyên đán tập trung đông người, nguy cơ bùng phát dịch. Tuy nhiên, theo chuyên gia dịch tễ thì hiện nay yếu tố lây tại gia đình cũng cao hơn trước đây. Nếu nhà trường phòng bệnh tốt có thể lại hạn chế nguy cơ lây lan khi trẻ đi học.

Vì thế, để đảm bảo quyền được đến trường của trẻ, ngoài vấn đề 5K thì khi trong gia đình có thành viên hoặc bản thân trẻ bị sốt, ho, khó thở cho trẻ nghỉ học, khai báo y tế, khai báo với nhà trường để phối hợp với y tế xử lý. Khi có sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ giữa nhiều lực lượng, chúng ta tin rằng sẽ thích ứng linh hoạt, an toàn để sớm trở lại nhịp sống bình thường.

Phong Châu

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.