Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng:

Đổi mới, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành

Hà Nội đón Xuân Nhâm Dần 2022 với nhiều kỳ vọng phát triển mới.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Thanh Hải.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Thanh Hải.

Nhìn lại một năm không thể nào quên, điều được nhiều người nhắc đến chính là tinh thần đoàn kết của toàn dân; sự đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã mang đến những kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho năm 2022 bứt phá với những mục tiêu cao hơn.

Chủ động, sáng tạo trước khó khăn

Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, với tinh thần chung là “khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba”, việc lớn nhất mà Hà Nội đã làm được trong năm 2021 là cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 và duy trì mức tăng trưởng dương, đảm bảo an sinh xã hội.

Với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, sự an toàn và tính mạng cho Nhân dân; hạn chế tối đa sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến đời sống kinh tế - xã hội, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thường xuyên đưa ra chỉ thị, kết luận quyết liệt, sát với yêu cầu thực tiễn. Đúng như chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, “dịch càng phức tạp, chúng ta càng phải bình tĩnh thì mới tỉnh táo đánh giá chính xác tình hình. Có đánh giá chính xác tình hình mới đề ra giải pháp đúng, trúng. Có giải pháp đúng, trúng mới đẩy lùi được dịch”, TP Hà Nội đã thể hiện được sự bình tĩnh, không nóng vội trong quyết sách và thực thi các giải pháp.

Thành ủy đã đưa ra các giải pháp chiến thuật trước mắt, lâu dài trên tinh thần hành động thần tốc, linh hoạt, sáng tạo. Chủ động kịch bản ở mức cao hơn thực tế, áp dụng giải pháp hành chính và chuyên môn y tế phù hợp thực tiễn ở từng thời điểm. Thông điệp 5K, vaccine, thuốc, công nghệ cùng 4 sớm (phát hiện sớm, xét nghiệm sớm, cách ly sớm và điều trị sớm) và nhiều giải pháp phòng, chống dịch khác đã thực thi hiệu quả trong cuộc sống.

Chiến dịch thần tốc tiêm vaccine thành công đã tạo tiền đề quan trọng để TP thực hiện chiến lược chuyển trạng thái từ “không Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch”, kích hoạt các hoạt động kinh tế - xã hội dần trở lại trạng thái bình thường mới.

Đến nay nhìn lại, dù Hà Nội vẫn ghi nhận nhiều ca nhiễm ngoài cộng đồng, nhưng TP luôn căn cứ vào Nghị quyết số 128-NQ/CP của Chính phủ để triển khai các bước theo tình hình thực tế.

Song hành với phòng, chống dịch, Hà Nội luôn xác định duy trì tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ quan trọng. TP tận dụng từng cơ hội dù là nhỏ nhất với tinh thần “góp gió thành bão” để duy trì sự tăng trưởng của kinh tế và bảo đảm nguồn lực để thực hiện chính trị. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc tháo gỡ khó khăn cho DN, cải thiện môi trường kinh doanh, Hà Nội đã chủ động đối thoại với DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Hành trang quan trọng cho những mục tiêu xa hơn

Để giải quyết những vấn đề cấp thiết thực tiễn đặt ra, vừa tạo động lực cho TP phát triển trong giai đoạn tới, trong năm qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị có tính chất đường lối, tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, Thành ủy đã ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa, với tiêu chí, lộ trình thực hiện, phân công cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp từ rất sớm. Đặc biệt, hai nghị quyết chuyên đề: Về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo”; “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được triển khai sớm, là cơ sở quan trọng để các đơn vị, địa phương thực hiện trong thực tiễn.

Đáng chú ý, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU thống nhất chủ trương Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội”. Tại Kỳ họp thứ 2, HĐND TP đã tán thành thông qua Nghị quyết về vấn đề này, bố trí nguồn vốn ngân sách khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến TP sẽ khởi công cải tạo, xây dựng lại đợt 1 chung cư cũ vào quý II/2023, ưu tiên kiểm định trước đối với chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng.

Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về chủ trương triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đồng thời, lập Quy hoạch phát triển TP giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)... Tất cả nhằm xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao.

Năm 2022 đại dịch Covid-19 chắc chắn vẫn còn khó khăn, cản trở lớn nhưng TP Hà Nội đã xác định sống chung an toàn với Covid-19. TP sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; hoàn thành đạt và vượt 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, trong đó phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 7 - 7,5% so với năm 2021.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, với quan điểm lấy DN và người dân là trung tâm phục vụ, Hà Nội sẽ đổi mới sáng tạo trong điều hành, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ. Qua đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao.

Với những nghị quyết, chủ trương đã ban hành, Hà Nội đã có hành trang quan trọng để bước vào năm mới 2022 với những mục tiêu cao hơn, xa hơn.

Hà Bình

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.