Hòa giải viên - những người đưa mùa xuân đến sớm

Khi Tết đến, cùng với sự giao thoa của trời đất, trong mỗi ngôi nhà tiếng líu lo của con trẻ, ánh mắt vui vẻ của người vợ, nụ cười ấm áp của người chồng mới chính là nguồn xuân ấm áp nhất. Hạnh phúc được tạo dựng thực ra rất đơn giản nếu mỗi người biết đặt mình vào vị trí của nhau. Đấy là điều mà những hòa giải viên luôn tâm niệm khi thực hiện công việc của mình…

Chắp nối những hạnh phúc gia đình

Ai cũng nói ông “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, ấy thế nhưng với hòa giải viên Ngô Phúc Hậu, Tổ trưởng tổ hòa giải số 6, thôn Văn Uyên, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, mỗi câu chuyện mà ông đã gặp, mỗi hoàn cảnh ông vun đắp mãi đọng lại trong ông những ký ức ý nghĩa, vui vẻ…

Trong công tác hòa giải, việc hòa giải mâu thuẫn gia đình là sự việc mà bất cứ hòa giải viên nào cũng gặp. Ông Hậu nhớ lần hòa giải cho một cặp vợ chồng hiếm muộn ở trong thôn. Nên duyên vợ chồng đã nhiều năm nhưng trong căn nhà nhỏ của hai người vẫn vắng tiếng khóc, cười, tiếng nô đùa của trẻ thơ. Tình yêu không đủ lớn để vượt lên thử thách của cuộc đời và hai người bắt đầu nghĩ đến việc ly hôn.

Biết chuyện, ông Hậu cùng các thành viên trong tổ quyết tâm tìm cách hàn gắn. Mỗi lần gặp gỡ, trò chuyện tâm tình, ông lại khơi gợi lại những kỷ niệm đẹp của đôi bên thông qua những câu chuyện cặp vợ chồng này hiếm muộn nhưng vẫn thương yêu nhau, cặp vợ chồng kia 5, 10 năm không có con nhưng vẫn bền bỉ kiên trì chạy chữa… Cứ thế, mưa dầm thấm lâu, ngọn lửa tình yêu tưởng như đã lụi tàn nhờ sự kiên trì động viên, thuyết phục của các hòa giải viên đã dần được nhen nhóm lại.

“Đến nay thì hai vợ chồng đã có với nhau hai mặt con. Tình cảm vợ chồng trải qua được quãng thời gian khó khăn càng thêm khăng khít, sâu nặng. Cô chú ấy vừa khoe đã gom góp để xây một ngôi nhà khang trang…”, ông Hậu phấn khởi kể.

Hòa giải viên Nguyễn Thị Sang, Tổ trưởng tổ hòa giải Yên Hà, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm kể, có những cặp vợ chồng hôm nay thấy họ vui vẻ, tình tứ. Nhưng cái ai ngờ rằng cách đây 1, 2 năm đã đôi lần định kéo nhau ra tòa.

Hai vợ chồng ấy gia đình lao động, có hai cô con gái, ngoan ngoãn, đáng yêu. Người vợ làm công nhân, còn chồng làm nghề tự do. Công việc bận rộn, lại thiếu sự thấu hiểu, chia sẻ nên gia đình hay lục đục, mâu thuẫn. Anh chồng do tự ti lại cả nghĩ nên luôn nghi ngờ, ghen tuông vợ. Chị vợ thì khó chịu vì sự quản lý khắt khe cũng như ghen tuông vô lý của chồng nên đôi khi không giữ được hòa nhã mà cáu bẳn, gắt gỏng. “Có lần tôi đang ngồi ăn cơm, cô vợ đầu bù tóc rối chạy đến khóc lóc kể chuyện bị chồng đánh” – bà Sang kể. Việc đánh người như vậy rõ ràng là sai, nhưng ngoài cái lý còn cái tình, có thế nào cũng phải nhìn nhận anh chồng còn rất yêu vợ. Thế nên tổ hòa giải bàn nhau gặp riêng từng người để phân tích cái hay, cái dở. Với sự giúp đỡ cũng như can thiệp của các thành viên tổ hòa giải, dần dần cuộc sống bình yên quay lại với gia đình họ.

Hòa giải viên -  những người đưa mùa xuân đến sớm
Sống trong một môi trường có văn hóa, tự sẽ có những gia đình ấm êm, hạnh phúc

Góp phần tuyên truyền, phát huy văn hóa ứng xử chung

Những mâu thuẫn ở chung cư bắt đầu từ những câu chuyện vụn vặt như ai đó bấm thang máy đóng – mở tất cả các tầng, để trẻ tự do tiểu tiện ở thang máy hay chuyện xô xát, xích mích nhỏ nhặt trong cuộc sống giữa hàng xóm, láng giềng, căn hộ trên căn hộ dưới. Có khi là chuyện bất đồng quan điểm giữa cư dân và chủ đầu tư, cư dân – Ban quản lý…

Theo hòa giải viên Phạm Như Phước - Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố số 4, khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm: “Có những vụ khiếu kiện bắt nguồn từ những ứng xử chưa khéo như căn hộ tầng trên ru con đưa võng kẽo kẹt, căn hộ tầng dưới có người ốm đau nghe tiếng võng đưa thì cảm thấy càng thêm mệt mỏi”. Hoặc những trường hợp như hàng xóm ngày nghỉ nhỡ có “vui quá” nên bật karaoke nghêu ngao, nhà bên cạnh muốn nghỉ ngơi thế là lời qua tiếng lại.

Việc hòa giải ở chung cư chủ yếu là câu chuyện văn hóa ứng xử chung. Thực tế cho thấy, việc tuyên truyền văn hóa ứng xử ở nhiều chung cư được áp dụng rất linh hoạt. Theo các hòa giải viên, trên tiền đề là các bộ quy tắc ứng xử đã được ban hành từ đó vận dụng, áp dụng linh hoạt theo những quy định của chung cư.

Sống ở chung cư có nghĩa là sống chung, chung hạ tầng, chung tiện ích, chung cảnh quan, môi trường… Với nỗ lực của tổ dân phố, của Ban quản trị, của các chi hội và đặc biệt là của các cô bác hòa giải viên, cư dân chung cư không chỉ đơn giản là “sống chung” nữa mà còn có sự kết nối, gắn bó thân thiết.

Cũng có lẽ trong những cái chung tốt đẹp đó, mỗi cá nhân trong từng gia đình cũng ý thức hơn trong việc ứng xử với chồng, vợ của mình… Vậy nên khi sống trong một môi trường có văn hóa, tự sẽ có những gia đình ấm êm, hạnh phúc.

Kết

Như vậy, từ riêng đến chung, việc hàn gắn, đưa lại cho mỗi cá nhân, cộng đồng dân cư những giá trị văn hóa, giúp họ thấu hiểu lại giá trị chân chính của hạnh phúc… những hòa giải viên thực sự là những người đưa mùa xuân về với mỗi gia đình.

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.