Sau đại dịch, nguồn cung căn hộ của Hà Nội xuống thấp nhất trong 5 năm qua

Sau đại dịch Covid19 thì thị trường bất động sản đang dần nóng trở lại. Theo số liệu từ Savills Việt Nam, nguồn cung các sản phẩm bất động sản Hà Nội đang thấp nhất trong 5 năm qua, trong khi nhu cầu tăng mạnh, tỷ lệ hấp thu cao.
Sau đại dịch, nguồn cung căn hộ của Hà Nội xuống thấp nhất trong 5 năm qua
Nguồn cung căn hộ xuống thấp

Dịch bệnh kéo dài khiến trong năm 2021 số lượng giao dịch và cả nguồn cung phân khúc bất động sản căn hộ cũng xuống mức thấp nhất trong suốt 5 năm qua. Tuy nhiên, vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 nhu cầu thị trường đã bắt đầu nóng trở lại khi dịch bệnh dần được kiểm soát và kinh tế dần phục hồi

Theo báo cáo của Savills cho thấy, nguồn cung mới trong quý 4-2021 tăng 42% theo quý nhưng giảm 19% theo năm với khoảng 4.500 căn. Trong đó, giai đoạn tiếp theo của 6 dự án cung cấp 3.600 căn, tương đương 80% nguồn cung mới; 20% còn lại đến từ bốn dự án mới.

Năm 2021, nguồn cung sơ cấp với hơn 33.600 căn giảm -21% theo năm, xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. Nguồn cung mới và hàng tồn kho ở mức thấp. Hạng B chiếm 69% nguồn cung.

Tuy nhiên theo nhận định của Savills, sau thời gian kìm nén do tác động từ bùng phát dịch kéo dài, thị trường nhà ở đã có dấu hiệu sôi động trở lại trong những tháng cuối năm 2021. So với quý trước, lượng giao dịch ở các loại hình nhà ở đều cho thấy những con số tăng trưởng đáng kinh ngạc ở mức 96% đối với biệt thự/nhà liền kề và 72% đối với căn hộ.

Tỷ lệ hấp thụ cũng đang ở mức cao khi căn hộ đạt 19%, tăng 7 điểm % theo quý và biệt thự/nhà liền kề đạt 37%, tăng 17 điểm % theo quý và 4 điểm % theo năm. Xét riêng về thị trường biệt thự/nhà liền kề, nhu cầu mua bán đang cho thấy tín hiệu khả quan khi tỷ lệ hấp thụ nguồn cung mới đạt 83%.

Savills cho rằng đây là những tín hiệu cho thấy thị trường bất động sản nhà ở vẫn luôn duy trì sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư và người mua để ở.

Bên cạnh đó , sự thay đổi về cơ cấu dân số tại thành thị của Việt Nam là yếu tố thúc đẩy những nhu cầu mới trong thị trường nhà ở. Việt Nam được dự báo sẽ tăng thêm 10 triệu người ở các thành phố lớn trong thập kỷ tới, với tỷ lệ đô thị hóa cả nước tăng từ 37% năm 2020 lên 44% năm 2030.

Đến năm 2025, dân số Hà Nội dự kiến đạt 9 triệu người, với dân số thành thị chiếm khoảng 61% tổng dân số - tăng từ mức 49% vào năm 2019. Số liệu trên tương đương khoảng 72.000 hộ gia đình thành thị thêm mới mỗi năm, trong khi số lượng căn hộ mới trung bình hàng năm là 27.000.

Trong năm 2021, sản phẩm có mức giá từ 35-46 triệu VNĐ/m2 chiếm 52% số căn bán được, tăng 9% theo năm. Phần lớn các căn hộ trong khoảng giá này tại các quận/huyện Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên và Gia Lâm. Thị trường đang thiếu nguồn cung căn hộ giá bình dân trong khi các dự án hiện tại đã bán hết và không có nguồn cung mới cho sản phẩm căn hộ có giá dưới 20 triệu VNĐ/m2.

Nguồn cung trong tương lai dự kiến sẽ tập trung vào Hạng A và B với giá bán cao hơn. Đến năm 2024, Hạng A sẽ cung cấp 20% nguồn cung, Hạng B chiếm 68% và Hạng C chiếm 12%. CapitaLand và Tân Hoàng Minh dự kiến sẽ giới thiệu các dự án cao cấp trong năm 2022.

Savills lưu ý tại thời điểm hiện tại, phân khúc căn hộ ở tầm giá thấp hơn đang tồn tại một sự mất cân đối giữa hai nguồn lực trong thị trường. Nguồn cung mới và hàng tồn kho căn hộ ở mức thấp. Đặc biệt, nguồn cung căn hộ giá bình dân đang bị thiếu hụt trong khi các dự án hiện tại đã bán hết và không có nguồn cung mới cho sản phẩm căn hộ có giá dưới 20 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó, có sự chênh lệch về nguồn cầu dự kiến và nguồn cung sơ cấp thực tế. Theo Kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn cầu trong giai đoạn 2022- 2025 là 185.200 nhà, trong đó có 166.600 căn hộ. Tuy nhiên, các số liệu từ báo cáo của Savills đang cho thấy từ năm 2022 đến năm 2025, 78.900 căn hộ sẽ mở bán.

Hồng Đức

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.