Chủ nhà lúng túng khi giúp việc không muốn ký hợp đồng lao động

Người sử dụng lao động sẽ bị phạt cảnh cáo nếu không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình không là quy định mới. Bởi trước đó, theo Điều 5, Nghị định 88/2015/NĐ-CP, nếu người sử dụng lao động không thực hiện việc ký kết HĐLĐ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 - 20 triệu đồng.

Phạt chủ nhà nếu không ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 22/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trong lĩnh vực lao động, Nghị định quy định cụ thể mức phạt đối với vi phạm quy định về lao động là người giúp việc gia đình.

Theo đó, phạt cảnh cáo đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình; không trả tiền tàu xe đi đường khi lao động là người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Không thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn việc sử dụng lao động hoặc chấm dứt việc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình theo quy định.

Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Giữ giấy tờ tùy thân của lao động là người giúp việc gia đình; không trả cho lao động là người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Chủ nhà lúng túng khi giúp việc không muốn ký hợp đồng lao động
Không ký hợp đồng lao động vì người giúp việc cũng không muốn ràng buộc

Khi giúp việc... không muốn ký

Giúp việc gia đình đã trở thành một nghề rất quen thuộc với sự tham gia đông đảo của các lao động ở nhiều lứa tuổi. Thậm chí với nhiều lao động, giúp việc gia đình không còn là công việc thời vụ, mà nó là một trong những nghề nghiệp chính để trong cuộc sống mưu kế sinh nhai.

Tuy nhiên, cũng không ít lao động coi nghề giúp việc chỉ đơn giản là công việc thời vụ. Hoặc cũng có lao động bởi không còn nghề nào khác nên họ đành chấp nhận làm nghề giúp việc. Bởi bấy lâu nay, công việc giúp việc gia đình vốn nổi tiếng là việc làm ít rủi ro, không kén bằng cấp, đã vậy lại không phải lo chỗ ăn, chốn ngủ… Chính những lao động này khiến quy định thực hiện những giao kèo lao động bằng giấy trở nên lỏng lẻo.

Chị Nguyễn Thị Nhung (Hòa Bình) xuống Hà Nội từ đầu năm 2021, thông qua một trung tâm giới thiệu việc làm ở Mỹ Đình, chị đã làm giúp việc cho… 3 chủ nhà. “Nói thật là nhà chị ở Hòa Bình vốn có chiếc thuyền để chở khách du lịch, hai vợ chồng con cái vẫn túm tụm vào làm ăn, tiền kiếm được cũng khá ổn.

Tuy nhiên 2 năm lại đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên có những khi du lịch đóng cửa, ở nhà thất nghiệp nên xuống Hà Nội làm giúp việc” – chị Nhung cho biết. Lương giúp việc của chủ nhà trả cho chị dao động từ 6 – 8 triệu tùy công việc, ăn ngủ tại nhà chủ luôn.

Khi đề cập đến vấn đề hợp đồng lao động, chị Nhung quan điểm: “Chưa bao giờ ký kết hợp đồng lao động với chủ nhà nào. Cũng có chủ nhà đề nghị, nhưng thấy nó lách cách nhiều vấn đề. Hơn nữa nói thật là tôi chỉ làm thời vụ nên không muốn ký.”

Khi đề cập đến vấn đề ký hợp đồng mới có căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chị Nhung gạt phắt đi và cho biết, chị đã đóng bảo hiểm y tế tự nguyện ở nhà nên không có nhu cầu!

Cũng không thực sự để ý đến giao kèo công việc qua giấy, bà Lê Thị Hiền (Nghệ An) nghe theo lời của mấy bà bạn đã đi từ trước ra Hà Nội làm giúp việc. Bà được giới thiệu làm việc tại một nhà có 2 vợ chồng và cháu bé 3 tháng tuổi, theo thỏa thuận ban đầu là bà có nhiệm vụ bế, ẵm và trông cháu bé khi vợ chồng chủ nhà bận công việc.

Ngày thứ nhất và ngày thứ hai bà Hiền được gia đình để dành thời gian làm quen với gia đình cùng em bé. Các ngày sau do rơi vào cuối tuần nên bà Hiền cũng chỉ loanh quanh phụ giúp chứ chưa thực sự làm việc. Cho đến gần 1 tuần sau bà Hiền mới thực sự phải ẵm, bồng cô con gái nhỏ của chủ nhà.

Bà Hiền cho biết, buổi trưa khi cả nhà nghỉ ngơi, bà được nhờ bế em bé và dỗ cháu ngủ. Khốn nỗi hôm đó không hiểu lý do làm sao mà cháu bé không ngủ và quấy khóc rất nhiều. Luôn bế trên tay và rong cháu vòng quanh nhà từ 12 giờ trưa cho đến 4 giờ chiều nên lưng bà Hiền bắt đầu có hiện tượng đau.

“Vốn có bệnh thấp khớp, lại do đi lại quá nhiều nên cả đêm đó tôi không ngủ được và gần như không nhấc được chân lên” – bà Hiền kể. Thấy có vẻ không ổn, bà Hiền xin chủ nhà cho nghỉ bởi có thể bà sẽ không đảm đương được công việc theo thỏa thuận nữa.

Tuy nhiên khi nghe thông báo bà sẽ không nhận được lương, đồng thời còn bị phạt 1 triệu đồng đặt cọc với trung tâm giúp việc bởi vi phạm thỏa thuận đã ký bà mới giật mình. “Ban đầu họ bảo ký thỏa thuận tôi cũng không đọc vì thấy mọi người cũng ký. Chứ nếu biết phải làm theo ý của họ, nếu không đúng sẽ bị mất tiền tôi chẳng dại gì mà ký" – bà Hiền nói.

Về vấn đề này, chị Trần Ngọc Bích (Long Biên) cho biết, bản thân chị cũng đã thuê một số giúp việc. Nhưng khi nói chuyện hợp đồng chính những người giúp việc cũng không muốn.

“Bảo hiểm xã hội tôi chưa tìm hiểu, nhưng tôi đã từng đề xuất đóng bảo hiểm y tế cho họ và khi tôi phân tích sẽ phải trừ bớt tiền lương để đóng thì họ lắc đầu quầy quậy. Hơn nữa, nhiều giúp việc không thực sự chuyên nghiệp, họ chỉ đi làm theo thời vụ, lại muốn tự do có thể nghỉ - làm theo ý mình nên càng không chịu ký kết bằng văn bản. Vậy nên không hẳn là chủ nhà không đóng bảo hiểm mà chính các giúp việc họ không muốn” – chị nói. Và theo chị Bích, nếu như vậy thì không biết là có bị xử phạt hay không và mức xử phạt bao nhiêu theo Nghị định mới.

Thực tế, có nhiều gia đình khi nhận người giúp việc nhà thì đều không ký hợp đồng lao động. Mặc dù không hiếm câu chuyện "cơm không lành, canh không ngọt" xảy ra giữa chủ nhà và người giúp việc, thế nhưng vẫn chẳng mấy ai mặn mà với những quy định, bộ luật này. Từ chủ nhà đến giúp việc đều có vô vàn những lý do để bao biện, giải thích cho việc thực hiện luật.

Theo lý giải của các chuyên gia, một phần do chủ nhà không muốn rắc rối về pháp lý, cũng bởi chính một phần do người giúp việc cũng không muốn ràng buộc. Vì rằng, có nhiều người tìm đến công việc giúp việc chỉ như một công việc thời vụ, họ không có ý định làm lâu dài, thế nên, việc ký kết lại là cái ràng buộc.

Chính vậy cho nên, cho dù Luật ra để bảo vệ cho quyền lợi của không chỉ người lao động nhưng vẫn khó thực hiện. Bởi rằng, thực tế ít người coi giúp việc là một nghề thực sự!

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.