Cuối năm - Cảnh giác với nạn cướp giật

Thời điểm cuối năm trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ cướp giật tài sản của người dân. Đặc điểm chung của các vụ cướp giật là các đối tượng rất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng hành hung chống trả quyết liệt gây nguy hiểm đến tính mạng của bị hại và cả lực lượng chức năng truy đuổi.
Tang vật thu giữ của các nhóm đối tượng phạm tội tại Hà Nội.
Tang vật thu giữ của các nhóm đối tượng phạm tội tại Hà Nội.

Tội phạm cướp giật ngày càng táo tợn

Theo CA TP Hà Nội, kết quả thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm từ ngày 30-12-2021 đến 13-1-2022, toàn thành phố phát hiện 201 vụ phạm tội về trật tự xã hội (tăng 59 vụ, tương đương với 41,5 % so với thời gian liền kề trước đó). Đáng chú ý, hầu hết các loại tội danh đều tăng so với thời gian trước đó. Cụ thể, xảy ra 3 vụ cướp tài sản (tăng 2 vụ, tương đương 200%); cướp giật tài sản xảy ra 8 vụ (tăng 2 vụ, tương đương 60%)…

Theo CA TP Hà Nội, chỉ trong khoảng 24 giờ, các lực lượng nghiệp vụ đã nhanh chóng xác định, bắt giữ đối tượng trong tất cả những vụ cướp trên. Trong 5 vụ cướp này, các đối tượng sau khi gây án đều trốn đi tỉnh ngoài, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy bắt, hành vi của các nghi phạm rất liều lĩnh, manh động, gây hoang mang dư luận.

CA TP Hà Nội cho biết, các đối tượng lợi dụng không gian mạng, thành lập các hội nhóm trên mạng xã hội, thống nhất hành vi cướp tài sản. Các đối tượng sẽ rà soát, nhắm đến những người kinh doanh online, chọn làm mục tiêu để phạm tội. Sau đó, theo dõi, tìm hiểu kỹ địa điểm kinh doanh, đợi thời cơ thuận lợi để cướp.

Với những nạn nhân ở chung cư, nhà cao tầng, các đối tượng thường đi thang bộ để tránh camera phát hiện. Bên cạnh đó, các đối tượng đi cướp thường qua lại khu vực, địa bàn, tìm nhà có sơ hở, vắng người để thực hiện khống chế, cướp tài sản.

Đối với nạn nhân là xe ôm, lái xe taxi, các đối tượng thường yêu cầu lái xe đi lòng vòng nhiều tuyến đường, đến đoạn đường vắng thì thực hiện cướp, thời gian thường vào đêm tối.

Nâng cao ý thức tự bảo vệ mình

Về nguyên nhân, theo CA TP Hà Nội, ý thức cảnh giác của người dân trong việc tự đề phòng, tự quản tài sản còn thấp, thậm chí có trường hợp bị hại còn khoe khoang tài sản, thể hiện giàu có.

Đồng thời, công tác nắm tình hình, quản lý trên các trang mạng xã hội của các cơ quan chức năng còn chưa chủ động, chưa kịp thời phát hiện các thông tin liên quan để phòng ngừa, nhất là các hội nhóm kín có tư tưởng tiêu cực, vi phạm pháp luật, mua bán trái phép công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ…

Theo CA TP Hà Nội, vào dịp cuối năm, tình hình tội phạm hình sự nói chung, tội phạm cướp giật tài sản nói riêng diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt, do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống, lao động, sản xuất của người dân; nhất là đối với số đối tượng không có việc làm, thu nhập, sau thời gian thực hiện việc nới lỏng giãn cách xã hội dễ phát sinh hành vi phạm tội. Đối tượng phạm tội manh động, táo bạo, bất kể ngày hay đêm, bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng của bị hại và những người xung quanh.

Để ngăn chặn, phòng ngừa chung, lãnh đạo CA TP Hà Nội mong muốn người dân cần chủ động hơn để phòng ngừa, nâng cao tinh thần cảnh giác, tự trang bị kiến thức cần thiết để hạn chế thấp nhất các nguyên nhân chủ quan, tạo điều kiện cho tội phạm thực hiện hành vi phạm tội.

Đồng thời, không khoe khoang tài sản để tránh làm mục tiêu cho các đối tượng gây chú ý, theo dõi. Nhóm người hành nghề xe ôm, taxi… cần tự nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, cảnh giác với những đối tượng yêu cầu chở đi lòng vòng, đến địa điểm vắng người.

Theo khuyến cáo của CA TP Hà Nội, đối với các ngân hàng, cửa hàng kinh doanh vàng bạc, doanh nghiệp... không nên trưng bày quá nhiều vàng bạc, đá quý làm đối tượng chú ý, làm mục tiêu gây án; nên đóng cửa hàng trước 18 giờ hàng ngày.

Bởi vậy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, luôn luôn có ý thức cảnh giác. Nhiều người dân vẫn rất chủ quan, chỉ khi “mất bò mới lo làm chuồng” dẫn đến những hệ lụy xấu, đến khi trở thành nạn nhân mới hối hận. Nếu mỗi người có ý thức tự cảnh giác, có biện pháp tự bảo vệ tài sản của mình, bên cạnh đó chủ động tố giác đối tượng khi phát hiện các dấu hiệu phạm tội thì sẽ hạn chế được rất nhiều rủi ro.

Theo các chuyên gia pháp lý, tội “cướp tài sản” là một trong những tội đặc biệt nghiêm trọng với mức hình phạt cao nhất được áp dụng là tù chung thân. Đây là loại tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn, vì vậy chế tài xử lý đối với loại tội phạm này cần phải rất mạnh tay, đủ sức răn đe.

Theo Điều 168 BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định về Tội “cướp tài sản”, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, tùy theo tính chất, mức độ hành vi và hậu quả hành vi gây ra. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản…

Gần đây liên tiếp xảy ra 5 vụ cướp tài sản, buôn bán vũ khí thô sơ với số lượng lớn. Cụ thể, vụ cướp tài sản xảy ra ngày 8-1 tại P324, HH1A Linh Đàm, P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai; vụ cướp tài sản xảy ra ngày 14-1 tại số nhà 19, ngõ 47 đường Nguyễn Hoàng, P.Mỹ Đình 2, Q.Nam Từ Liêm; vụ cướp tài sản của lái xe taxi xảy ra ngày 14-1 tại đường Đại Linh, P.Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm; vụ cướp tài sản của lái xe taxi xảy ra ngày 15-1 tại đường Đỗ Quang, P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy; vụ cướp tài sản xảy ra ngày 16-1 tại lán Cty Thanh Hà, khu Công nghệ cao Hòa Lạc, xã Hạ Bằng, H.Thạch Thất; vụ bắt giữ nhóm đối tượng có hành vi mua bán vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ với số lượng lớn, ngày 14-1 tại Khu đô thị Vinhomes Ocean Park, xã Đa Tốn, H.Gia Lâm.

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.