Cặp vợ chồng tung, hứng, làm giả… tiền

TAND TP Hà Nội vừa xét xử Nguyễn Ngọc Cường, SN 1989; Trần Mỹ Ngọc, SN 1988, trú tại quận Long Biên, Hà Nội, ra xét xử về tội “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”.
Các bị cáo nghe toà tuyên án
Các bị cáo nghe toà tuyên án

Các cơ quan tố tụng làm rõ, sáng 27-3-2020, Trần Chí Tuệ đến nhà chị Nguyễn Như Tâm, SN 1998, trú ở quận Long Biên, Hà Nội, thuê chị Tâm chuyển 1,5 triệu đồng (gồm 3 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng) vào tài khoản ngân hàng. Cầm tiền, chị Tâm phát hiện có 1 tờ mệnh giá 500.000 đồng là tiền giả nên giữ lại không chuyển và nói chuyện với mẹ đẻ. Sau đó, mẹ chị Tâm đã báo CQCA giải quyết.

Theo đó, CQCA đã khám xét nơi ở của Trần Chí Tuệ, phát hiện nhiều tờ tiền giả. Mở rộng điều tra, các cơ quan tố tụng xác định, từ tháng 10-2019 đến tháng 3-2020, Cường đã bàn bạc với đồng bọn làm tiền giả tại nhà Nguyễn Thị Hoa ở thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Cường cùng đồng phạm chuẩn bị giấy A4, dao nhọn, kéo, ni lông... là công cụ, phương tiện để làm tiền giả. Bị cáo lấy hình ảnh tiền giả trên mạng Internet, căn chỉnh in phôi tiền giả ra giấy A4; dùng dao nhỏ cắt rời các tờ tiền, cắt bo viền, khoét cửa sổ tờ tiền, cắt ni lông (loại dùng để ép plastic) và dùng bàn là là ép dán miếng ni lông nhỏ vào cửa sổ tờ tiền và hoàn thiện các tờ tiền giả. Các tờ tiền đẹp, giống tiền thật được đem đi lưu hành, các tờ tiền bị lỗi, hỏng, các đối tượng đem tiêu hủy.

Các cơ quan tố tụng kết luận, vợ chồng Cường tham gia làm tiền giả và phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi làm giả 41 tờ tiền (gồm 39 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng và 2 tờ tiền giả mệnh giá 50.000 đồng). Vợ chồng Cường bỏ trốn, đến ngày 20-1-2021, CQĐT tách vụ án hình sự, tách hành vi làm tiền giả của Cường và Ngọc thành vụ án độc lập để điều tra làm rõ. Sau đó, cặp đôi này đã lần lượt ra đầu thú. Các đồng phạm của vợ chồng bị cáo, trong đó có Tuệ đã phải nhận án tù vào tháng 4-2021.

Do đó, HĐXX đã tuyên bị cáo phạt mức án từ 6 năm 6 tháng đến 9 năm tù.

Quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ tiền Việt Nam:

- Bảo quản tiền Việt Nam trong quá trình quản lý, sử dụng.

- Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hoặc CQCA giám định tiền.

- Kịp thời thông báo CQCA hoặc bộ đội biên phòng, hải quan nơi gần nhất về những hành vi vi phạm quy định tại Điều 3, Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg (nêu tại điểm 3 trên đây).

- Cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế, xã hội và cá nhân có tiền giả phải kịp thời giao nộp cho CQCA, Ngân hàng Nhà nước, bộ đội biên phòng hoặc cơ quan hải quan nơi thuận tiện nhất.

- Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước và tổ chức khác có hoạt động ngân hàng, cơ quan hải quan, bộ đội biên phòng khi phát hiện tiền giả phải tiến hành lập biên bản thu giữ; phát hiện tiền nghi giả phải lập biên bản tạm thu giữ và kịp thời thông báo cơ quan công an nơi gần nhất.

B.A

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.