Thành lập Ban chỉ đạo giải quyết ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc

Bộ Công Thương vừa thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng Ban.
Bộ Công Thương thành lập Ban chỉ đạo giải quyết ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc
Bộ Công Thương thành lập Ban chỉ đạo giải quyết ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc

Ngày 17-1-2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 54/QĐ-BCT thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc (Ban chỉ đạo).

Ban chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng Ban chỉ đạo; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng Ban chỉ đạo.

Lãnh đạo các Bộ Y tế, Tài chính, Ngoại giao và Chủ tịch UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai là thành viên Ban chỉ đạo.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc áp dụng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để giải quyết tình trạng ách tắc hàng hóa, nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Cùng với đó, Ban chỉ đạo thường xuyên cập nhật và cung cấp thông tin cho các địa phương liên quan về tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc điều tiết vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đưa ra những giải pháp cụ thể, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị, Bộ NN&PTNT đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các quy tắc sản xuất, bao gói và vận chuyển an toàn cho tất cả các đối tượng tham gia vào chuỗi sản xuất - xuất khẩu nông sản, đặc biệt là trái cây và thủy sản đông lạnh, với mục tiêu là không để nhiễm virus trên bao bì và bản thân hàng hóa.

Bộ Y tế nhanh chóng hướng dẫn các tỉnh biên giới phía Bắc thiết lập các vùng đệm an toàn ("vùng xanh") với tiêu chuẩn, quy trình hài hòa hợp lý với phía Trung Quốc.

UBND các tỉnh biên giới phía Bắc thường xuyên cập nhật tình hình, cung cấp thông tin về thông quan hàng hóa cho các địa phương tuyến sau để các địa phương và thương nhân tuyến sau chủ động điều tiết việc vận chuyển hàng hóa lên các cửa khẩu biên giới phía Bắc; trong đó, đặc biệt lưu ý công tác khử khuẩn phương tiện và hàng hóa, nhất là trái cây tươi và thực phẩm đông lạnh.

Một nhiệm vụ quan trọng đó là tiếp tục giao thiệp, trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc, đặc biệt là 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam ở tất cả các cấp, các kênh...

Cập nhật đến ngày 17-1, tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn còn hơn 1.000 xe và cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh còn khoảng 200 xe đang chờ được thông quan sang Trung Quốc.

TQ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.