Làm luật xe hàng nông sản ở Lạng Sơn: Nhóm đối tượng đối mặt mức án nào?

CA tỉnh Lạng Sơn vừa khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can liên quan đến việc mua bán "lốt" xe nông sản xuất khẩu tại cửa khẩu. Ở góc độ pháp lý, những đối tượng phạm tội có thể bị xử bao nhiêu năm tù?
3 đối tượng đưa và nhận hối lộ cho xe chở nông sản vượt tuyến tại cửa khẩu vừa bị CA tỉnh Lạng Sơn bắt giữ
3 đối tượng đưa và nhận hối lộ cho xe chở nông sản vượt tuyến tại cửa khẩu vừa bị CA tỉnh Lạng Sơn bắt giữ

Mới đây, CQCSĐT CA tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Đinh Văn Thìn, SN 1979, trú xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn) về hành vi đưa hối lộ; Nông Tuấn Anh, SN 1992, và Lâm Văn Hưởng, SN 1983, cả hai đều là cán bộ Đội Quản lý trật tự đô thị huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, về nhận hối lộ.

Theo CQĐT, thời gian qua, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc tăng cường kiểm soát người và phương tiện hàng hóa xuất nhập khẩu dẫn đến tình trạng ùn tắc ở cửa khẩu. Có thời điểm, khoảng 5.000 phương tiện, 10.000 lái xe đường dài không được thông quan khiến nhiều hàng hóa bị hỏng, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Lợi dụng tình trạng này, các đối tượng Đinh Văn Thìn, Nông Tuấn Anh và Lâm Văn Hưởng đã đưa và nhận hối lộ nhằm điều tiết, sắp xếp phương tiện được xuất khẩu vượt tuyến mà không theo thứ tự.

Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng tình trạng xe xuất khẩu hàng hóa ùn ứ ở bãi trung chuyển chờ xuất khẩu đã thông đồng tìm những xe đã được cấp phiếu xếp xe xuất khẩu hàng hóa nhưng do hàng bị hỏng hoặc quay đầu, đổi đầu container để đưa những xe mới đến thay vào vị trí xe cũ. Mỗi lần trót lọt, các đối tượng thu lợi từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng/xe.

CA tỉnh Lạng Sơn cho biết đường dây này đã thu lời bất chính ít nhất hơn 500 triệu đồng. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.

Dư luận đặt câu hỏi dưới góc độ pháp lý, những đối tượng phạm tội có thể bị xử bao nhiêu năm tù? Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, việc CQĐT khởi tố, xử lý đối với một số đối tượng về hành vi mua bán "lốt" xe tại cửa khẩu là cần thiết để đảm bảo công bằng cho các lái xe, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật thì hành vi dùng tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất để yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của mình là hành vi đưa hối lộ.

Còn người có chức vụ quyền hạn, nhận tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của người khác để làm hoặc không làm một công việc thuộc nhiệm vụ quyền hạn của mình vì lợi ích của người đã đưa hối lộ thì đó là hành vi nhận hối lộ. Cả hành vi đưa hối lộ và hành vi nhận hối lộ đều là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý với chế tài nghiêm khắc.

Lợi dụng chức vụ quyền hạn, các đối tượng đã nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền là xếp vị trí cho những xe đó được làm thủ tục trước để xuất khẩu. Hành vi này là vi phạm pháp luật, vi phạm tính đúng đắn trong hoạt động quản lý Nhà nước, gây bất bình đẳng trong xã hội, bức xúc trong dư luận.

“Theo thông tin từ phía CQĐT, 3 đối tượng vừa bị khởi tố với hành vi đưa và nhận hối lộ liên quan đến vụ dàn xếp ưu tiên cho xe hàng xuất khẩu qua biên giới Lạng Sơn với giá 100 - 300 triệu đồng/xe. Căn cứ vào Điều 354 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội nhận hối lộ, những đối tượng trên có thể đối diện với mức phạt từ 2 đến 7 năm tù. Đối tượng “cò mồi” với hành vi đưa hối lộ có thể đối diện với các hình phạt: Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, căn cứ vào Điều 364 Bộ luật này. Còn trường hợp số tiền nhận hối lộ từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng thì hình phạt có thể tới 20 năm tù. Trường hợp số tiền nhận hối lộ từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì người nhận hối lộ sẽ bị xử lý trong khung cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình”, luật sư Thái cho biết.

Để có sự cạnh tranh lành mạnh, giao thương phát triển kinh tế xã hội, luật sư Thái kiến nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương; Thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng vặt, hối lộ, trục lợi bất chính. Trong đó, cần xây dựng, nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, đặt mục tiêu phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp lên hàng đầu; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những đối tượng có hành vi đưa, nhận hối lộ.

Mặt khác, tại những cửa khẩu xuất hiện tiêu cực, địa điểm dễ xảy ra nhũng nhiễu, cần có phương án phân công cán bộ giỏi nghiệp vụ, có đạo đức thực hiện nhiệm vụ. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức pháp luật cho các lái xe, chủ hàng không “móc nối”, không tiêu cực để xảy ra tình trạng điều tiết, sắp xếp phương tiện được xuất khẩu vượt tuyến không đúng quy định.

Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho rằng, những vi phạm tại cửa khẩu như phản ánh nếu có chỉ mang tính cá nhân, do đa phần nông sản Việt Nam đều được chuyển ra cửa khẩu để nhờ người đưa sang biên giới bán nên dễ xảy ra tranh chấp, tiêu cực.

Cục Hải quan Lạng Sơn khuyến cáo người dân và các chủ hàng cần chú trọng nâng cao chấp lượng sản phẩm, đầu tư mẫu mã, bao bì theo quy chuẩn để ký hợp đồng xuất khẩu chính ngạch. Khi mua bán nông sản sang biên giới cần hợp đồng trọn gói bán cả xe, lô hàng để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, tránh những tranh chấp, khiếu kiện không đáng có.

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.