Chốt phiên cuối tuần VnIndex giảm nhẹ, cổ phiếu bất động sản vẫn giảm sâu

Sau hai cú sốc lớn về bất động sản thì trong ngày hôm nay áp lực bán vẫn khiến các mã cổ phiếu bất động sản tiếp tục giảm sâu. Các mã ngân hàng trở thành trụ cột giúp thị trường đi ngang vào phiên cuối tuần.
Chốt phiên cuối tuần VnIndex giảm nhẹ, cổ phiếu bất động sản vẫn giảm sâu

Sau một ngày ảm đạm vào hôm qua thì sáng nay thị trường mở cửa trong một tâm thế mong chờ của các nhà đầu tư. Nhưng đúng như các chuyên gia dự đoán phiên buổi sáng đã có rất nhiều biến động, khoảng 11 giờ, VN-Index vụt tăng hơn 2 điểm nhưng sau đó quay sang đỏ. Đà bán tháo cổ phiếu bất động sản đã giảm, một số mã cổ bắt đầu tăng mạnh.

Đóng cửa phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index tạm dừng với mức giảm nhẹ 0,85 điểm, còn 1.495, 2 điểm; ngược lại HNX-Index tăng khá, với mức tăng 4,31 điểm, lên 465,14 điểm. UpCom-Idnex cũng giảm nhẹ 111,87 điểm, giảm 0,80 điểm.

Trái ngược với sự biến động mạnh mẽ của phiên buổi sáng thì trong phiên chiều diễn biến khá ổn định khi chỉ số chính biến động quanh vùng điểm tham chiếu.

Đóng cửa phiên VN-Index đứng ở mức 1.496,02 điểm, chỉ giảm nhẹ 0,03 điểm so với hôm qua. Chỉ số gần như đi ngang như sàn này vẫn ghi nhận 285 mã giảm giá (24 giảm sàn), cao hơn nhiều so với 174 mã tăng giá.

Sàn chứng khoán tại Hà Nội diễn biến khá đối lập. Trong đó HNX-Index tăng mạnh hơn 6 điểm (1,31%) lên 466,86 điểm nhưng UPCoM-Index lại giảm 0,4% về 112,22 điểm.

Toàn thị trường ghi nhận sắc đỏ chiếm chủ đạo với tổng cộng 727 mã giảm giá, trong khi đó chỉ có 442 mã tăng giá trong phiên cuối tuần.

Thị trường chứng khoán hôm nay khá nhiều sắc màu đan xen. Sàn HoSE vẫn nhiều cổ phiếu trắng bên mua cuối giờ giao dịch như ROS, FLC, AMD, HAI, CII, QCG, NBB...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng bị mất dần sức lực trong nỗ lực chống đỡ thị trường. Chốt phiên ngoài STB, VCB, SHB đạt mức tăng 1-2% thì các cổ phiếu ngân hàng khác tăng nhẹ hoặc đa phần giảm điểm.

Trong khi đó, cổ phiếu FLC Group rơi thẳng đứng và trong tình trạng mất thanh khoản. Chỉ số ít bán được vài trăm nghìn cổ phiếu khi mở cửa phiên sáng, còn lại lượng lớn vẫn bị "giam sàn". Tổng khối lượng còn dư bán sàn nhóm này vào khoảng 200 triệu cổ phiếu (chưa kể lượng bán theo lệnh ATC).

Ở một số cổ phiếu riêng lẻ, đáng chú ý khi HAG quay đầu tăng trần với lượng khớp và dư mua gần 30 triệu cổ phiếu. Mã L14 tăng trần để giữ vị trí cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn chứng khoán. Các mã nóng như GEX, HNG, ITA cũng đều thoát giá sàn.

Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước khi tổng giá trị khớp lệnh chỉ đạt 25.031 tỷ đồng (giảm 25,6%). Trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 29% về mức 20.954 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh khoảng 770 tỷ đồng ở sàn HoSE.

Nhiều chuyên gia tài chính khuyên rằng, trong bối cảnh thị trường như hiệntai thì sự hoảng loạn trước các thông tin sốc dẫn đến vào trạng thái sợ hãi lại càng bấn loạn. Bình tĩnh để chọn phương án xử lý phù hợp là điều cần thực hiện lúc này. Thị trường chứng khoán luôn luôn có những bất ngờ nên câu chuyện quản lý rủi ro phải luôn được ưu tiên hàng đầu chứ không phải là lợi nhuận.

Hồng Đức

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.