Vụ bé 2 tuổi bị “cha dượng” bạo hành

Tăng cường biện pháp bảo vệ trẻ em trong môi trường gia đình

Luật sư cho rằng, hành vi phạm tội của “cha dượng” thể hiện sự côn đồ, không có tình người, đang tâm đánh cháu bé tử vong, khi xét xử cần nghiêm minh.
Bị can Nguyễn Minh Quân tại CQCA
Bị can Nguyễn Minh Quân tại CQCA

Hành vi không còn tính người

Mới đây CQCSĐT CA tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Minh Quân, 31 tuổi trú tại xã Nhơn Bình, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, để điều tra về hành vi "Giết người". Được biết, Quân chung sống như vợ chồng với chị N.T.H.N, 23 tuổi và con riêng của chị N. là bé trai G.B, 2 tuổi ở thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Khoảng 1g ngày 30-11-2021, Quân bắt được một con rắn. Khi về đến nhà, Quân kêu chị N lấy đồ ra đựng. Lúc này, chị N. đặt bé B. xuống nền nhà để đi lấy đồ thì bé khóc, không cho mẹ bỏ xuống. Chị N bận dỗ con nên chưa đi lấy đồ đựng rắn ngay được khiến Quân tức giận, dùng chân đạp cực mạnh vào đầu và chân bé G.B khiến bé bất tỉnh.

Thấy bé bất tỉnh, cặp tình nhân đưa bé vào BVĐK Trung ương Cần Thơ cấp cứu nhưng bé không qua khỏi. Nguyên nhân tử vong sau khi khám nghiệm được xác định là chấn thương sọ não.

Tại CQĐT, Quân thừa nhận hành vi phạm tội và khai nhận do nghiện ma túy mà không có ma túy sử dụng nên không kiềm chế được cơn tức giận. Hiện vụ việc đang được CA tỉnh Vĩnh Long tiếp tục điều tra làm rõ.

Bày tỏ quan điểm về vụ “cha dượng” đạp chết con riêng 2 tuổi của vợ xảy ra ở Vĩnh Long gây xôn xao dư luận, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi phạm tội của bị can Nguyễn Minh Quân đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ, đặc biệt là trẻ em, đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ. Do đó cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm bạo hành trẻ em đang gây bức xúc, phẫn nộ trong xã hội.

Phải xử lý nghiêm minh

Luật sư Nguyên cho rằng, xét hành vi của bị can Nguyễn Minh Quân, chỉ vì thấy bé trai quấy khóc đã sử dụng vũ lực dùng chân đạp vào đầu và chân bé trai là những vùng trọng yếu trên cơ thể gây tử vong do chấn thương sọ não nặng đã cấu thành tội Giết người. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm b, n Khoản 1 Điều 123 BLHS. Hành vi phạm tội của nghi phạm thể hiện sự côn đồ, hung hãn, không có tình người, đang tâm đánh cháu bé tử vong nên cần thiết khi xét xử phải xử lý nghiêm minh.

Luật sư Nguyên cho biết, trong vụ án này, nếu buộc tội đối tượng này về tội “Giết người” thì đối tượng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình do hành vi của đối tượng là giết người dưới 16 tuổi và hành vi được xác định là có tính chất côn đồ.

“Cháu bé mới 2 tuổi thì cơ thể còn quá nhỏ và non nớt, hoàn toàn không có khả năng tự vệ. Chỉ cần một hành động mạnh tay, không nâng niu của người lớn là cũng có thể gây ra tổn thương cho cháu bé. Nhận thức như vậy mà vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì đây là lỗi cố ý gián tiếp và đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người”, luật sư Nguyên phân tích.

Còn nói về hành vi sử dụng ma túy của đối tượng Quân, luật sư Nguyên phân tích: “CQĐT cần thiết phải làm rõ có hay không việc sử dụng ma túy khi phạm tội và nguồn gốc ma túy đối tượng mua sử dụng để xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu kết quả xét nghiệm nghi phạm dương tính với ma túy thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 1, Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Trường hợp CQĐT trong quá trình khám xét, phát hiện ma túy do đối tượng cất giữ để sử dụng thì sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng về trọng lượng ma túy theo quy định tại Điều 249 BLHS.

Thực tế, trong thời gian qua liên tục trẻ em bị thiệt hại mạng do hành vi sát hại của cha dượng, mẹ kế trong thời gian gần đây cho thấy đã đến lúc báo động về tình trạng bạo lực trẻ em ở Việt Nam. Do đó, luật sư Nguyên kiến nghị, cần phải có cơ chế chính sách, giải pháp phù hợp để tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ em trong môi trường gia đình. Đồng thời, tăng cường các giải pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em.

Đối với những trẻ em thuộc nhóm dễ bị tổn thương, dễ trở thành nạn nhân trong những vụ bạo hành, xâm hại, cần phải có sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan bảo vệ trẻ em, của chính quyền địa phương. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi xâm phạm quyền trẻ em trước khi sự việc đi quá xa.

Cùng với đó, cần giáo dục kỹ năng sống cho các em và cả cho các bậc phụ huynh để lường trước các tình huống nguy hiểm cho trẻ em có thể xảy ra, khi xảy ra vụ việc thì có cách ứng phó kịp thời, giảm thiểu tối thiểu những thiệt hại có thể xảy ra đối với trẻ em. Đối với những đối tượng xâm hại, bạo hành, xâm hại trẻ em, phải xử lý nghiêm minh bằng các chế tài của pháp luật.

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.