Có trên 21,2 triệu dữ liệu khai sinh được cấp số định danh cá nhân

Đó là kết quả tích cực của việc thực hiện Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Năm 2022, Đề án tiếp tục được đẩy mạnh, tạo điều kiện giải quyết các thủ tục đăng ký hộ tịch trên môi trường điện tử, kết nối chia sẻ dữ liệu hộ tịch.
-	CSDL hộ tịch điện tử được xây dựng tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương, được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác…
CSDL hộ tịch điện tử được xây dựng tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương, được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác…

Năm 2021, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, công tác quản lý Nhà nước về hộ tịch tiếp tục được tăng cường, Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp các tỉnh, thành đã tích cực, chủ động hướng dẫn thực hiện thống nhất, với tinh thần hỗ trợ, linh hoạt tối đa về công tác khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, chứng thực cho người dân, đặc biệt tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội; đăng ký giám hộ, chăm sóc, hỗ trợ trẻ bị mồ côi, không có người nuôi dưỡng do mất cha, mẹ, người thân thích bởi dịch bệnh Covid-19.

Việc thực hiện Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc được đẩy mạnh. Đến nay, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử triển khai tại 63 tỉnh/thành đã ghi nhận có trên 21,2 triệu dữ liệu khai sinh với trên 6,4 triệu dữ liệu khai sinh đủ điều kiện, đã được Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cấp số định danh cá nhân;

Trên 2,7 triệu dữ liệu khai sinh của trẻ em dưới 6 tuổi đã được chuyển thành công sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để cấp thẻ BHYT; trên 4,2 triệu dữ liệu kết hôn; trên 03 triệu dữ liệu khai tử; trên 5,6 triệu hồ sơ đăng ký các sự kiện hộ tịch khác.

Năm 2021, số lượng đăng ký khai sinh tăng cao do nhiều công dân thực hiện đăng ký mới (quá hạn) và đăng ký lại để làm căn cước công dân. Theo đó, đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho 2.754.290 trường hợp (tăng 33,8% so với năm 2020), đăng ký khai sinh lại cho 2.526.820 trường hợp (tăng 130% so với năm 2020) và 3.265 trường hợp khai sinh có yếu tố nước ngoài (giảm 37,7% so với năm 2020).

Các cơ quan đăng ký hộ tịch cũng đã đăng ký khai tử cho tổng số 613.229 trường hợp (tăng 4,6% so với năm 2020); đăng ký kết hôn cho tổng số 501.003 cặp (giảm 20,5% so với năm 2020), trong đó có 471.377 trường hợp đăng ký mới, 26.878 trường hợp đăng ký lại và 2.748 trường hợp có yếu tố nước ngoài (giảm gần 63% so với năm 2020).

Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử đã giúp giải quyết hầu hết các nghiệp vụ đăng ký hộ tịch theo Luật Hộ tịch trên hệ thống mạng, máy tính và được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh. Do đó, người dân có thể thực hiện nhiều thủ tục đăng ký hộ tịch theo phương thức trực tuyến; lấy số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh. Qua đó cung cấp nguồn thông tin hộ tịch đầu vào, cập nhật dữ liệu “sống” cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung cả về vấn đề kết nối hệ thông lẫn tính năng của phần mềm. Tiến độ cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh trong một số trường hợp còn chậm.

Bên cạnh đó, giữa CQCA và cơ quan tư pháp cùng cấp tại địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ dẫn đến tình trạng tăng mạnh số vụ việc đăng ký lại khai sinh/bổ sung/cải chính hộ tịch tại nhiều địa phương khi người dân thực hiện thủ tục cấp căn cước công dân có gắn chíp.

Khó khăn nữa là theo thống kê hết 2021, có 17.687 công chức Tư pháp - Hộ tịch (giảm 662 người tương đương với 3,8% so với năm 2020). Cấp huyện, cấp xã ở nhiều địa phương vẫn còn bố trí công chức làm công tác Tư pháp - Hộ tịch chưa có trình độ chuyên môn luật.

Trước yêu cầu của Luật Hộ tịch và Nghị định số 87/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã cho thấy Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử còn có những tồn tại, hạn chế. Do đó, Bộ Tư pháp đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Nâng cấp Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” với nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, dự kiến thực hiện trong năm 2022 và năm 2023, đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh việc số hóa sổ hộ tịch lịch sử.

Khi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được hoàn thiện, sẽ tạo đà cho công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực quốc tịch, chứng thực cũng như các lĩnh vực hành chính tư pháp khác của Bộ Tư pháp được nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Theo Bộ Tư pháp, năm 2022, toàn ngành Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành, Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch; Kế hoạch của Chính phủ triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư bất hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc (GCM).

Đẩy nhanh tiến Dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, tạo điều kiện để đẩy mạnh giải quyết các thủ tục đăng ký hộ tịch trên môi trường điện tử, kết nối chia sẻ dữ liệu hộ tịch cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.