Vĩnh Phúc: Thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn từ năm 2022

Từ năm 2022, Vĩnh Phúc sẽ triển khai thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, đây là một trong những nội dung quan trọng trong “Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được UBND tỉnh phê duyệt.

Theo đuổi mục tiêu “xanh, sạch, đẹp”…

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã xác định chỉ tiêu về bảo vệ môi trường đến năm 2025, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đáp ứng quy chuẩn môi trường đạt 97% ở khu vực đô thị và 80% ở khu vực nông thôn; tỷ lệ bãi chôn lấp rác thải được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đạt trên 95%.

Việc ban hành “Đề án thu gom, xử lý 4 rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là yêu cầu rất cần thiết nhằm giải quyết vấn đề bức xúc do rác thải gây ra, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Phấn đấu để đạt được mục tiêu cảnh quan, môi trường tỉnh Vĩnh Phúc nói chung “xanh, sạch, đẹp” là rất khó khăn, đòi hỏi phải có những nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện.

Vĩnh Phúc: Thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn từ năm 2022
Hiện tại việc thu gom xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói chung vẫn còn thô sơ chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trao đổi với PV PL&XH, ông Nguyễn Bá Hiến, Trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở TN&MT Vĩnh Phúc cho biết: Giai đoạn 2014-2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 673/QĐ-UBND ngày 11-03-2014 (điều chỉnh bổ sung tại Quyết định số 95/QĐ-UBND ngày 15-01-2015 và Quyết định số 778/QĐ-UBND ngày 10-3-2016).

Theo Đồ án quy hoạch được phê duyệt, dự kiến đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ hình thành 5 khu xử lý chất thải rắn tập trung quy mô liên huyện gồm: xây dựng các cơ sở xử lý rác thải bằng công nghệ đốt tại các huyện Bình Xuyên, Tam Dương, Lập Thạch (quy mô mỗi cơ sở khoảng 500 tấn/ngày), huyện Vĩnh Tường (quy mô 300 tấn/ngày). Riêng khu vực thành phố Phúc Yên, xây dựng 1 cơ sở xử lý rác bằng công nghệ sản xuất phân compost. Đồng thời sẽ hình thành được 274 điểm tập kết rác thải và đầu tư được 56 lò đốt rác công suất nhỏ quy mô cấp xã.

“Nhưng đến nay mới triển khai xây dựng được 1 cơ sở xử lý tập trung tại thị trấn Hợp Hòa - huyện Tam Dương sử dụng công nghệ đốt thu hồi nhiệt, tổng công suất xử lý theo thiết kế 150 tấn/ngày chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn là 75 tấn/ngày (thực tế hiện nay cơ sở này đang hoạt động chỉ đạt công suất xử lý khoảng 75 tấn/ngày)” – ông Nguyễn Bá Hiến thông tin.

Vĩnh Phúc: Thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn từ năm 2022
Có thời điểm quá tải không xử lý xuể, rác thải ùn ứ chồng chất tại đô thị gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, và mất mỹ quan.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 2 dự án xây dựng cơ sở xử lý rác tập trung gồm: Dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch của Công ty Cổ phần đầu tư ITC Hà Nội, công suất thiết kế 270 tấn/ngày đêm (sử dụng công nghệ đốt) và dự án Khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc của Công ty TNHH MTV Xử lý môi trường Trung Nguyên, công suất thiết kế 50 tấn/ngày đêm (sử dụng kết hợp công nghệ đốt, tái chế nhựa và sản xuất phân compost). Cả 2 dự án này đang thực hiện các thủ tục giải phóng mặt bằng, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.

Về triển khai các điểm tập kết và lò đốt rác quy mô cấp xã, đến nay toàn tỉnh có khoảng 232 bãi chôn lấp rác tạm thời với tổng diện tích khoảng 31,2 ha; đầu tư lắp đặt được 37 lò đốt rác ở các xã, thị trấn. Tuy nhiên, hầu hết các bãi chôn lấp, lò đốt rác thải đều đã quá tải, xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Toàn tỉnh chưa triển khai xây dựng được các điểm tập kết, trung chuyển rác thải để phục vụ công tác thu gom, vận chuyển rác từ các địa phương đến các cơ sở xử lý.

Trách nhiệm công dân trong việc phân loại rác thải sinh hoạt…

Có thể thấy, bên cạnh những áp lực tiêu cực trong vấn đề rác thải gây ra đối với môi trường nông thôn cũng như đô thị, đòi hỏi phải có những giải pháp xử lý, thì cơ sở pháp lý để triển khai lộ trình thực hiện “thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc” cũng đã tương đối đầy đủ.

“Để xử lý triệt để vấn đề rác thải tại Vĩnh Phúc hiện nay, thì khâu phân loại có ý nghĩa rất quan trọng. Luật Bảo vệ môi trường quy định bắt đầu từ năm 2025 phải thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Do vậy, việc gắn trách nhiệm của người dân trong việc phân loại rác thải sinh hoạt trước khi thu gom xử lý là cần thiết, để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Thực tế những năm gần đây, ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân cũng đã có những cải thiện đáng kể, đặc biệt là với các cháu học sinh, sinh viên, những người trẻ tuổi… có những chuyển biến rõ rệt, trong vấn đề bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan sạch đẹp, văn minh. Do vậy, việc vận động người dân phân loại rác thải ngay tại nhà là cần thiết, và phù hợp. Mặt khác, cũng có nhiều cơ sở thu gom xử lý rác thải hiện nay nhận thấy rác thải cũng là nguồn tài nguyên, nên họ đã tiến hành phân loại rác nilong, rác kim loại, giấy, rác hữu cơ… để xử lý rất hiệu quả, đem lại nguồn lợi lớn.” – ông Nguyễn Bá Hiến chia sẻ.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT, để đảm bảo việc “thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường” thành công, từ năm 2022 Vĩnh Phúc sẽ triển khai thí điểm phân loại rác thải tải nguồn. Đồng thời sẽ truy trách nhiệm cá nhân vi phạm, cũng như truy trách nhiệm người đứng đầu địa phương trong nhiệm vụ xử lý rác thải. Phát huy vai trò của MTTQ và các hội đoàn địa phương trong việc tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Sỹ Hào

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.