Lĩnh vực nào sẽ “lên ngôi” trên thị trường chứng khoán năm 2022?

Theo nhận định của các chuyên gia SSI Research, năm 2022 có thể là một năm không còn quá dễ dàng với thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, với một chiến lược đầu tư cụ thể, rõ ràng, cộng thêm kiên nhẫn chờ đợi cơ hội các nhà đầu tư vẫn có thể hái được “trái ngọt”.
SSI Research điểm tên nhóm 3 ngành yêu thích nhất trong năm 2022  gồm ngân hàng, bán lẻ và bất động sản
SSI Research điểm tên nhóm 3 ngành yêu thích nhất trong năm 2022 gồm ngân hàng, bán lẻ và bất động sản

Tín hiệu tích cực

SSI Research đưa ra quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán trong năm 2022. Tuy nhiên, thị trường có thể diễn biến thận trọng trong nửa đầu năm, do ảnh hưởng từ các lo ngại về lạm phát cao, lãi suất tăng, tiêu dùng nội địa yếu và tăng trưởng lợi nhuận thấp.

Bên cạnh đó, “sự xuất hiện của biến thể Omicron hoặc bất kỳ biến thể mới nào khác cũng sẽ làm chậm kịch bản tăng trưởng trên”. Theo SSI Research, yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường chứng khoán trong 6 tháng đầu năm 2022 chính là gói kích thích kinh tế dự kiến được Quốc hội thông qua vào tháng 1-2022, trong đó có thể bao gồm một gói hỗ trợ lãi suất mới.

Nửa đầu năm 2022 SSI dự báo vẫn có thể có một số ngành có thể tăng trưởng vượt trội bất chấp khó khăn như: Xuất khẩu (thủy sản, dệt may và vận tải biển); Một số loại hàng hóa có thể đạt mức giá cao trong nửa đầu năm 2022 (phân bón, thủy sản, hóa chất và mía đường); Ngành hưởng lợi từ đầu tư công (xây dựng, bất động sản dân cư và khu công nghiệp; Ngành hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp (chứng khoán và bất động sản dân cư).

Về nửa cuối năm 2022, SSI Research cho rằng, có thể là thời điểm có triển vọng rõ ràng hơn. Tăng trưởng lợi nhuận sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm do mức so sánh thấp của năm 2021, được hỗ trợ bởi cầu tiêu dùng trong nước hồi phục và tốc độ giải ngân đầu tư công nhanh hơn so với nửa đầu năm.

Mặc dù dòng tiền có thể luân chuyển giữa các lĩnh vực trong 2022, song SSI Research vẫn điểm tên nhóm 3 ngành yêu thích nhất gồm ngân hàng, bán lẻ và bất động sản. Kỳ vọng khả quan đối với nhóm bất động sản khu công nghiệp nhờ ký kết các hợp đồng cho thuê mới, qua đó giúp lợi nhuận các công ty khu công nghiệp sở hữu quỹ đất sạch được kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022. Tuy nhiên, chính sách giá mới của Chính phủ đối với đất khu công nghiệp cũng có thể dẫn đến việc tăng chi phí đền bù của các công ty này.

Mặt khác, cho dù 2021 đã là năm tăng giá mạnh của các cổ phiếu bất động sản dân cư, song SSI vẫn nhận thấy tiềm năng tăng giá của ngành trong năm 2022, do giá bất động sản đã có mức tăng mạnh hơn ước tính ban đầu. Tương tự, SSI Research kỳ vọng triển vọng ngành Bán lẻ sẽ tích cực trong 2022, do cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn và các nhà bán lẻ lớn giành thị phần từ các công ty nhỏ hơn.

Nhà đầu tư vẫn cần thận trọng

Ngành ngân hàng chiếm 31% tổng vốn hóa thị trường và là một trong ngành hưởng lợi chính khi Việt Nam dần khôi phục nền kinh tế từ nửa cuối năm 2022, do đó khả năng cao ngành này sẽ là yếu tố hỗ trợ tốt cho VN-Index. Bên cạnh đó, đơn vị này còn kỳ vọng ngành bán lẻ cũng có diễn biến tích cực nhờ hưởng lợi từ sự hồi phục của nền kinh tế.

SSI Reseach ước tính, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng có thể cao hơn mức trung bình thị trường, đạt 21% so với cùng kỳ trong năm 2022. Dự kiến lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ phân hóa trong năm, trong đó đà tăng trưởng sẽ mạnh hơn vào nửa cuối năm, bên cạnh đó kỳ vọng kế hoạch tăng vốn của một số ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu sẽ hoàn thành trong nửa cuối năm 2022.

Các ngân hàng TMCP tư nhân ước tính đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 22% cao hơn so với ngân hàng TMCM quốc doanh là 19% , do triển vọng tăng trưởng tín dụng tươi sáng hơn. Do mức so sánh cao trong 6 tháng đầu năm 2021. Tăng trưởng lợi nhuận sẽ ở mức khiêm tốn so với cùng kỳ tại các ngân hàng trong nửa đầu năm. Tăng trưởng ước tính mạnh hơn bắt đầu từ quý II-2022 đối với CTG, MBB và VCB, từ quý III-2022 đối với các ngân hàng khác trong phạm vi nghiên cứu của SSI.

SSI Research cho rằng, quan ngại về rủi ro nợ xấu và tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong 6 tháng 2021 đã phản ánh một phần vào giá cổ phiếu. Mặc dù định giá đã quay về mức hợp lý hơn sau mức đỉnh hồi tháng 7-2021 (PB dự phóng 1,8x), PB 2022 các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu hiện ở mức 1,6x, vẫn cao hơn so với mức trung bình lịch sử. Việc điều chỉnh giảm phản ánh rủi ro nợ xấu chưa rõ ràng và triển vọng kém khả quan hơn của nửa cuối năm so với nửa đầu năm 2021.

Trong khi đó, phần bù cao hơn so với trung bình lịch sử là trả cho năng lực tài chính, khả năng phục hồi và ROE tốt hơn so với chu kỳ tín dụng trước đây. ROE 2022 đối với các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu ước tính đạt 19% so với 10,5% -18% trong giai đoạn 2015-2020.

SSI Research nhấn mạnh: “Định giá hiện tại chưa phản ánh hết tăng trưởng khiêm tốn trong 6 tháng đầu 2022, và điều này có thể tạo cơ hội cho nhà đầu tư mua cổ phiếu ngân hàng tốt ở mức giá hấp dẫn trong thời gian này. Kết quả ngành ước tính mạnh hơn vào nửa cuối năm theo đà phục hồi kinh tế và so với mức thấp trong nửa cuối năm 2021. Chúng tôi điều chỉnh đánh giá ngành từ trung lập lên khả quan, đặc biệt cho nửa cuối năm 2022”.

Mặc dù vậy, chuyên gia phân tích SSI cũng cảnh báo một số rủi ro với ngành này: Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại làm tăng nợ xấu; Bong bóng bất động sản; Rủi ro lạm phát có thể khiến lãi suất tiền gửi tăng cao hơn dự kiến; Gói cấp bù lãi suất nếu được thiết kế và triển khai không phù hợp…

Trong năm 2022, mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ khoảng 6% - 6,5% và chỉ số CPI tăng khoảng 4%. Tuy nhiên, các chuyên gia của SSI Research cho rằng, trong trường hợp gói kích thích kinh tế được giải ngân có hiệu quả, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể vượt mức 7% trong năm 2022 dựa trên nền so sánh thấp giai đoạn 2020 - 2021. Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ tăng dần từ nửa đầu năm và đạt đỉnh trong quý II-2022 (tốc độ tăng trưởng có thể lên tới hai chữ số).

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.