Hiệu quả tích cực từ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng

Xã hội hóa hoạt động công chứng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, tạo điều kiện cho phát triển tổ chức và hoạt động công chứng theo hướng chuyên nghiệp hóa, tạo ra những bảo đảm pháp lý về quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, ngăn ngừa rủi ro, tranh chấp.
-	Hiệu quả tích cực từ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng
Hiệu quả tích cực từ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng

Thực hiện chủ trương xã hội hóa công chứng, số lượng tổ chức hành nghề công chứng và các công chứng viên đã có sự phát triển nhanh chóng trong thời gian qua. Đến nay, cả nước có 3.011 công chứng viên gồm: 383 công chứng viên của Phòng công chứng và 2.628 công chứng viên của Văn phòng công chứng; 1.295 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 120 Phòng công chứng và 1.175 Văn phòng công chứng. Tại 63/63 địa phương đều có Văn phòng công chứng theo chủ trương xã hội hóa.

Hơn 5 năm qua, Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm công chứng viên cho 3.235 người, bổ nhiệm lại công chứng viên 98 người, miễn nhiệm công chứng viên cho 153 người. Việc thẩm tra, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm đúng quy định pháp luật, gắn với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, đơn giản và dễ thực hiện hơn.

Hệ thống tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên từ Trung ương đến địa phương được thành lập, củng cố và ngày càng hoàn thiện với sự ra đời của Hiệp hội công chứng viên Việt Nam và 60 Hội công chứng viên ở các địa phương. Vai trò tự quản trong hoạt động nghề nghiệp bước đầu nâng cao.

Hàng năm, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đều tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng. Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại và tố cáo trong hoạt động công chứng của các cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện khách quan, đúng thẩm quyền, hướng tới mục tiêu tạo lập môi trường pháp lý lành mạnh phát triển nghề công chứng.

Bộ Tư pháp cũng đã có nhiều công văn gửi Bộ Công an, Ngân hàng nhà nước, UBND cấp tỉnh, Sở Tư pháp, Hiệp hội công chứng viên Việt Nam đề nghị quan tâm vào cuộc, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm trong hoạt động công chứng như giả mạo giấy tờ chủ thể công chứng, công chứng “khống”, “treo”…, đồng thời chấn chỉnh công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Đến nay, cả nước thành lập được 60/63 Hội công chứng viên (tăng 15 lần so với thời điểm thực hiện Luật Công chứng năm 2006, đạt tỷ lệ 93%) và Hiệp hội công chứng viên Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện hệ thống tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên từ Trung ương đến địa phương.

Tại Hà Nội, Phòng quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp – Sở Tư pháp Thành phố cho biết, trên địa bàn Thủ đô hiện có 122 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 10 Phòng công chứng và 112 Văn phòng công chứng với 445 công chứng viên hành nghề. Trong năm 2021, 122 tổ chức hành nghề công chứng đã ký 457.167 hợp đồng, giao dịch; chứng thực 3.575.737 bản sao; chứng thực chữ ký được 65.765 việc; thu hơn 253 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 34 tỷ đồng.

Cũng trong năm qua, Phòng quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp đã tham mưu thực hiện cấp thẻ công chứng viên cho 62 trường hợp; cấp lại thẻ công chứng viên cho 30 trường hợp; thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động cho 106 lượt tổ chức; thực hiện đăng ký tập sự hành nghề đối với 105 trường hợp; thay đổi người hướng dẫn tập sự đối với 7 trường hợp.

Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên đối với 25 trường hợp (trong đó có 7 trường hợp bổ nhiệm lại), miễn nhiệm 3 trường hợp; tiếp nhận 61 hồ sơ đăng ký dự thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng; xóa đăng ký hành nghề và thu hồi thẻ công chứng viên đối với 90 trường hợp;

Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19-11-2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng nhằm phát triển nghề ổn định, bền vững. Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; công tác kiểm tra, thanh tra tổ chức và hoạt động công chứng nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm.

Nghiên cứu, xây dựng Đề án chuyển đổi số trong hoạt động công chứng; hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về công chứng của từng địa phương, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc để tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả và an toàn của hoạt động công chứng.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển đội ngũ công chứng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn để vừa tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nhưng vẫn bảo đảm cung cấp dịch vụ công chứng đầy đủ, kịp thời tại các vùng địa bàn khó khăn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp.

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.